Monday, 7 April 2014

(TTCT) - “Mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước” cũng là mùa đẹp nhất trong năm của Tây nguyên.

Tháng 3 trời trong xanh, nắng và gió đuổi dọc các chân đồi, dọc các thung lũng và bạt vào tai người đi. Thời điểm này Tây nguyên đang là cao điểm của những lễ hội, nhưng muốn tìm điều thú vị hơn chẳng còn cách nào khác ngoài việc vác balô lên, bạn sẽ tìm thấy điều bất ngờ ngay trong những ngôi nhà mộc mạc của người Tây nguyên...

Những người tốt bụng

Từ trung tâm phố núi Pleiku, chúng tôi chạy xe máy hành trình khoảng 130km theo quốc lộ 25 xuôi dọc sông Ba đi về các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Krông Pa. Trong số các huyện của tỉnh Gia Lai thì Krông Pa là nơi có đông đồng bào Ja Rai sinh sống.

< Người đàn ông Ba Na này ở làng Kon Mãh (Chư Pảh, Gia Lai) đón khách bằng màn đánh trống đặc trưng.

Người Ja Rai ở Krông Pa cuộc sống còn rất nghèo, tính cách của người Ja Rai bộc trực, hiền lành và trong sáng. Hôm đó chúng tôi đến làng Kơ Nia ở bên kia sông Ba. Làng Kơ Nia, theo già làng ở đây, xuất phát từ câu chuyện cây kơ nia trước đây được trồng kín ở làng, nhưng nay đã không còn nhiều nữa.

Các ngôi làng Ja Rai ở Krông Pa không có gì đặc biệt, những mái nhà bêtông mới được xây lên nằm xen lẫn trong các ngôi nhà được thưng bằng gỗ của người dân. Một điều rất thú vị mà chỉ có thể bắt gặp ở Krông Pa: người địa phương hết sức thật thà và trong sáng, nhiều người đặc biệt thích... đùa.

Cũng chính vì thật thà, có phần... bẽn lẽn mà nếu không mở lời chào trước thì người địa phương ở đây cũng chỉ nhìn khách lạ rồi bẽn lẽn cười mà không chủ động chào. Tuy nhiên, khi chúng tôi chủ động làm quen thì tất cả đều vui vẻ, mời về nhà uống rượu ghè.

Chiều hôm ấy, chúng tôi được dẫn tới nhà của Ma Chuông - người làng lớn tuổi được xem là đáng kính của buôn Klảh, xã Ia Rmok. Ma Chuông là vị chủ tịch xã Ia Rmok nhưng cách trò chuyện cũng chân chất, thật thà như những người Ja Rai ở làng. Ma Chuông giới thiệu về làng mình bằng giọng của người Ja Rai pha tiếng Kinh lơ lớ rồi rót rượu mời.

< Góc đẹp bất ngờ trên lòng hồ công trình thủy điện buôn Tu Srah (Đắk Lắk).

Bữa rượu chỉ có một đĩa cà đắng và món ăn làm bằng thức ăn trong ruột non của bò và một ít trứng muối kiến. Vậy mà Ma Chuông và người làng ngồi uống miết, họ kể đủ thứ chuyện bằng tiếng Ja Rai thỉnh thoảng lại dịch qua tiếng Kinh rồi tất cả phá lên cười.

Những ngày ở Krông Pa tôi mới được biết thời điểm “tháng 3 Tây nguyên” đi đâu cũng sẽ bắt gặp cảnh người dân ngồi tụ tập uống rượu. Người dân nói rằng mùa này đang nắng hạn, lúa đã về đầy kho, cây lúa mới cũng đã được bơm đầy nước nên người làng ngồi với nhau để say. Họ uống từ sáng đến tối, uống đến khi nào say ngặt nghẽo mới lảo đảo ra về. Chúng tôi ngồi ở nhà Ma Chuông cho tới khi trăng đêm đã lên, người làng vẫn tiếp tục uống.

Hành trình không định sẵn

Trên các tuyến đường đi và các thung lũng, hoa pơ lang nở bùng cháy sau bao tháng thai nghén. Những phụ nữ địu con ngủ say như những “giấc mơ của A Kay”, những em bé với những gùi nước nặng trĩu trên lưng cõng về làng...

Kinh nghiệm cho thấy những lễ hội được tổ chức theo một lịch trình sẵn - làm bài bản - thường không để lại nhiều ấn tượng, thay vào đó là hãy tự khám phá. Nếu muốn khám phá và để cảm nhận một chuyến đi đáng nhớ ở Tây nguyên thì tốt nhất hãy tự mình trải nghiệm bằng xe máy, tự đi mà không có đích đến, cứ đi và đừng ngại vào buôn làng. Ở đó, tất cả những gì nguyên sơ của Tây nguyên, tính cách của người Tây nguyên đều sẵn sàng để bạn tha hồ khám phá.

< Ngôi làng người Ca Dong giữa lưng chừng núi.

Ở các buôn làng, những lễ hội thường không được lên kế hoạch sẵn mà tự mỗi gia đình bàn bạc và tổ chức. Bởi thế, may mắn - và gần như rất thường xuyên vào thời điểm này - bạn sẽ rất dễ bắt gặp cảnh người làng tự gom góp rượu ghè, trâu bò để tổ chức các lễ nghi theo phong tục. Các lễ này bao gồm: lễ pơthi, lễ mừng lúa mới, lễ cúng cầu mưa...

Các lễ này được người dân đứng ra tổ chức với nhau nên điều thú vị và có giá trị là mọi thứ gần như rất nguyên sơ, mộc mạc. Khách lạ nơi khác đến có thể tha hồ uống rượu, được đãi như thượng khách. Khi đến đây và đã trình bày với già làng, già làng “ưng cái bụng” rồi sẽ hướng dẫn để cùng ăn, cùng ở với người dân.

< Nhà rông ở Kon Chro (Gia Lai).

Nhớ lần đầu tiên xuống xã Ia Mláh, tôi được đón tiếp như thượng khách. Người làng soạn chỗ ngủ, ra suối bắt cá về nấu món canh chua lá giang kèm trứng muối kiến vàng - đó là bữa ăn ngon nhất và cũng là những đêm đáng nhớ nhất đời tôi.

Đêm nằm dưới mái nhà gỗ được trải chăn tinh tươm, nghe tiếng rì rầm của người trong nhà trò chuyện với nhau giữa đêm khuya, gió từ ngoài đồng thổi vào đưa theo mùi hoa điều, trộn lẫn mùi rơm rạ và cả những tiếng leng keng từ đàn bò thả đồng ngoài không gian vọng về - một trải nghiệm không nơi nào có được.
Tây nguyên là vậy đó.

Vua lửa ở làng Pleiơi

Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Gia Lai cho biết một trong các sự kiện hưởng ứng Năm du lịch Tây nguyên sẽ là tour du lịch mang tên “Hành trình về thăm di tích lịch sử văn hóa vua lửa Pleiơi” lần đầu tiên được tổ chức. Năm 1999 làng Pleiơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện (Gia Lai) được Nhà nước công nhận, xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.

Trong đời sống tâm linh hiến tế của cộng đồng các dân tộc Ja Rai, vua lửa (pơtao pui) được nhắc đến như một đấng siêu nhiên có khả năng hô mưa gọi gió, trò chuyện được với các đấng Yàng (trời).

Nhiều tài liệu nghiên cứu về các pơtao ghi chép lại rằng pơtao pui là những con người có thật, phần lớn các pơtao đều có xuất thân từ dòng họ Siu - một dòng họ danh tiếng của người Ja Rai. Trong đời sống người Ja Rai không chỉ có một pơtao mà rất nhiều pơtao đảm đương các chức trách khác nhau: gọi gió, cầu mưa, cúng sức khỏe...
Về đây du khách còn được nghe câu chuyện về bộ gươm thần của pơtao cùng nơi cất giấu nó.

< Trên dòng kênh dẫn nước từ hồ Ayun Hạ (Phú Thiện, Gia Lai).

Thông tin thêm cho bạn

- Khi đến làng hãy mạnh dạn hỏi thăm nhà già làng để trình bày nguyện vọng được ở lại làng. Già làng là người có uy tín, có tiếng nói sẽ tạo điều kiện để bạn ăn cùng, ở cùng với người làng.

- Nên đi về làng bằng xe máy bởi vì sẽ tạo cảm giác thân thiện, gần gũi hơn là ôtô.

- Mạnh dạn bắt chuyện, hỏi chuyện với bất kỳ ai mà bạn bắt gặp ở làng. Nhưng nên hỏi một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất.

- Nên xưng “mình” và gọi người làng bằng tên gọi thân mật mà người làng gọi với nhau trong cuộc sống thường ngày. Người Tây nguyên khi đã có con thì không thích gọi tên thật nữa mà gọi theo tên người con đầu.

- Trước khi vào nhà gia chủ nên hỏi qua những tục lệ của gia chủ, không nên đường đột lên nhà gỗ vì có những tục lệ riêng biệt cấm kỵ của người địa phương. Khi người làng mời rượu thì nên uống ly đầu vì đó là phong tục.

Tốt nhất là nên chuẩn bị sẵn một món quà trước khi đến làng để tạo sự thân mật. Trẻ con nên có bánh kẹo, người già thì những món quà từ thành phố. Sau khi lưu trú lại gia đình gia chủ, nên chụp chung hình với gia đình và xin địa chỉ, sau đó về phóng hình gửi tặng gia đình. Người địa phương rất trọng danh dự, lời hứa.

Theo Thái Bá Dũng (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment

Lịch sử đăng bài

Powered by Blogger.

Bài đăng mới

Thích thì click!^^

Bải đăng phổ biến