(NCT) - Nằm bên ngã ba Sình có làng Thanh Tiên không những trồng lúa, trồng hoa, mà phát triển thêm nghề làm hoa giấy.
Từ trung tâm thành phố Huế, xuôi dòng Hương Giang khoảng 7 km sẽ đến ngã ba Sình, ngã ba sông đã đi vào thơ ca, tâm thức và tình cảm của bao người yêu Huế, gắn với câu ca nổi tiếng: “Đò từ Đông Ba/ Đò qua đập Đá/ Đò từ Vỹ Dạ thẳng Ngã ba Sình”...
Hơn 500 năm trước, Dương Văn An đã biết đến Ngã ba Sình. Trong tác phẩm “Ô châu cận lục” nổi tiếng, tiên sinh họ Dương phóng tả về dòng Linh Giang “Sông do hai nguồn Kim Trà (sông Hương) và Đan Điền (sông Bồ) đổ vào, rộng sâu vô hạn, khuất khúc hữu tình”. Chính nơi hợp lưu là Ngã ba Sình nổi tiếng, nơi tụ thủy cũng như tụ nhân. Vào năm 1306, đám cưới của công chúa họ Trần tên là Huyền Trân với vua Chăm.
Ngắm nhìn địa thế nơi giao hòa giữa đất, trời và sông nước, cửa ngõ từ biển Đông vào Thuận Hóa, thấy vị trí chiến lược của Ngã ba Sình, một trong những điều kiện tiên quyết để nhà Nguyễn xây dựng Thuận Hóa, thủ phủ của Đàng trong và sau này trở thành Kinh đô của nước Việt Nam dưới triều Nguyễn.
Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây những biển bãi phù sa, những làng lúa, làng hoa trải dài hai bên sông. Với những làng quê Phú Mậu, Vỹ Dạ, Phú Dương, Thuận An... bên những ruộng lúa là những vườn hoa. Những năm gần đây, nghề trồng hoa giúp người dân Ngã ba Sình nâng cao thu nhập.
Theo sắc hoa, cuộc sống làng quê khởi sắc. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, những làng quê theo đó mà phát triển. Đến hôm nay, cuộc sống thanh bình, nhà cửa khang trang trải dài theo suốt hai bờ sông, tạo nên cảnh sông nước hữu tình.
Nằm bên ngã ba Sình có làng Thanh Tiên không những trồng lúa, trồng hoa, mà phát triển thêm nghề làm hoa giấy. Các loài hoa lan, cúc, tử vi mà người làng Thanh Tiên vẫn hay trồng, giờ thành hoa, thành cánh cùng phơi sắc bởi những bàn tay khéo léo. Hoa giấy được làm từ giấy ngũ sắc, giấy thiếc, giấy bạc để làm nhụy, tre để làm cuống hoa và cành hoa. Hoa giấy Thanh Tiên được dùng trong tín ngưỡng và để trang trí. Sắc màu của hoa là một phần của sắc màu văn hóa dân gian Huế.
Làng hoa giấy Thanh Tiên ra đời gần 400 năm dưới thời các chúa Nguyễn. Ngài khai canh của làng Thanh Tiên là Võ Đình Tiên, phò chúa Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân. Khi vua Gia Long thống nhất đất nước, nhân lễ thượng tuần, nhà vua ban Chiếu lệnh cho mỗi trấn đem về một loại hoa quý để dâng vua.
Một vị quan người làng Thanh Tiên dâng lên vua một loại hoa giấy ngũ sắc với ý nghĩa độc đáo, tượng trưng đầy đủ đạo lí tam cương, ngũ thường. Mỗi cành hoa bao giờ cũng có tám bông hoa.
Ba bông ở giữa tượng trưng cho: Trung - Hiếu - Nghĩa, còn năm bông hai bên tượng trưng cho: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Thấy ý nghĩa của hoa giấy Thanh Tiên, vua ban Chiếu khuyến khích người dân làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bán lên kinh đô. Từ đó nghề làm hoa giấy của làng Thanh Tiên nổi tiếng khắp đất nước.
Ngoài các loài hoa truyền thống, từ năm 2008 đến nay xuất hiện thêm loài hoa sen từ chất liệu của hoa giấy Thanh Tiên do họa sĩ, nghệ nhân Thân Văn Huy khởi xướng. Là người con của làng, họa sĩ có tình yêu vô bờ bến với nghề truyền thống gắn liền với đời sống tâm linh của cha ông.
Những đóa hoa sen ngũ sắc được ông chăm chút, tỉ mẩn từng chi tiết. Từ kĩ thuật dập chỉ độc đáo của làng nghề, kết hợp với kĩ thuật tranh lụa, tranh thủy mặc nhuộm giấy, từ đậm sang nhạt tinh tế có tính thẩm mĩ cao.
Đến nay, những đóa hoa sen bằng giấy Thanh Tiên của họa sĩ Thân Văn Huy trở nên quen thuộc, gần gũi với khách du lịch đến Huế và có mặt ở nhiều địa phương trong nước và nước ngoài. Được họa sĩ hướng dẫn, đào tạo, nhiều gia đình ở Thanh Tiên biết làm hoa sen giấy để bán, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Làng Lại Ân cũng nằm bên Ngã ba Sình nên có tên gọi là làng Sình và sản phẩm tranh giấy truyền thống được gọi là tranh làng Sình, loại tranh mộc bản, song tính thẩm mĩ được thể hiện qua chất liệu màu sắc, bố cục, đường nét. Nội dung thể hiện sinh hoạt, quan niệm của người dân nơi đây về thiên nhiên, xã hội, lịch sử và văn hóa.
Nguyên liệu làm tranh, màu tô pha chế từ các loại lá, hạt, bột gạch hay vỏ con sò điệp. Các nghệ nhân giã sò điệp phết lên giấy khi in và tô màu cho bức tranh có độ óng ánh thêm đẹp. Kiểu làm tranh truyền thống đang dần bị mai một, nên tranh làng Sình cũng bớt đi vẻ đẹp nguyên sơ.
Theo tập tục, cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, làng Sình lại tổ chức hội vật để tưởng nhớ người khai canh và để cầu mong ăn nên làm ra trong năm mới. Hội vật làng Sình đề cao tinh thần thượng võ.
Từ ngã ba Sình ngược lên là cảng Bao Vinh và phố thị Thanh Hà là trung tâm buôn bán sầm uất dưới triều Nguyễn. Dấu tích xưa còn lại là những ngôi nhà cổ. Phố thị Thanh Hà giờ là làng nghề mộc mĩ nghệ Hương Vinh.
Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ điêu khắc, những sản phẩm gỗ như: Tượng, bàn ghế, nhà rường... ra đời và được đón chào ở khắp mọi miền đất nước. Phục chế nhà rường đúng theo nguyên mẫu của nhà rường Huế là khát vọng cháy bỏng của người thợ trẻ tài hoa Nguyễn Văn Thành.
Theo cha học nghề mộc từ năm 20 tuổi, anh Thành được cha truyền lại toàn bộ kiến thức về nghề. Đến nay, anh trở thành một trong những người thợ có tay nghề bậc nhất ở Huế về phục chế nhà rường. Nhà rường ở Huế là công trình nghệ thuật dân gian độc đáo cần được giữ gìn, bảo tồn cho muôn đời sau.
Ngày lại ngày, ngã ba Sình trở thành điểm hẹn để du khách bốn phương đến thăm nơi con sông Hương và sông Bồ hòa vào nhau xuôi về biển cả.
Theo: Báo Người Cao tuổi
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment