Friday, 11 April 2014

Bỗng dưng trong tích tắc, chúng tôi bị lọt vào một vùng trũng, bàn chân hụt hẫng vì không với tới đáy biển nữa...

Tôi năm nay 33 tuổi, là thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Úc. Sau bao nhiêu năm nỗ lực miệt mài và chờ đợi, vừa rồi tôi đã được gọi định cư theo diện tay nghề ở Úc. Bạn bè thấy tôi sắp đi nên mới rủ đến chơi nhà người quen ở một làng chài biển Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tính tôi lại hơi tham, đã không biết bơi nhưng thấy biển sóng lớn, có phần hung dữ... vậy mà vẫn ráng tắm bởi tâm lý ra tới biển mà không tắm thì tiếc quá. Tất nhiên là tôi vẫn nhát gan nên chọn nơi bằng phẳng nhất (theo mắt thường nhìn thấy trên bãi cát).
Bãi biển rất yên tĩnh vì ít khách du lịch, thi thoảng có vài người địa phương (tôi nhớ đa số họ là nữ) đi ngang qua. Tôi và ông xã (tên Minh) và một người bạn (tên Quang) cùng nhảy xuống. Anh bạn này cũng biết bơi, nhưng lại không biết đứng nước.

Vừa xuống, sóng đã đánh ào một cái, ba người chúng tôi như ba con kiến dạt ngay vào bờ. Hai vợ chồng tôi lồm cồm bò ra tắm tiếp. Anh bạn thì vừa ra đã bị sóng đánh dạt mất chiếc vòng tay may mắn nên lại trở lên bờ. Hai vợ chồng tôi chỉ đứng tắm chỗ nước ngang hông, nên nghĩ chắc không sao.

Bỗng dưng trong tích tắc, chúng tôi bị lọt vào một vùng trũng (sau này tôi mới biết đó là vùng nước xoáy), chân không tới đáy. Tôi hết hồn, bám ngay vào chồng. Lúc đó tôi vẫn nghĩ quan trọng là phải giữ tinh thần, không được hoảng loạn, và chồng tôi cũng liên tục nhắc điều đó. Vì vậy tuy hoảng sợ nhưng tôi vẫn cố thả lỏng, không bấu víu quá mức làm ảnh hưởng cho người cứu mình. Nếu biển yên thì không có gì để nói, lần này biển lại động, sóng liên tục ập vào rồi lại cuốn mọi thứ ra.

Minh - chồng tôi cố hết sức cũng không kéo tôi vào được dù chỉ một tấc. Lúc này, ông xã cũng hoảng rồi, la lên được có 2 chữ: “Quang, cứu”. May mắn thay, anh bạn trên bờ nghe được rồi. Nếu anh ấy vẫn ở dưới nước thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. May hơn, dù nãy giờ không có ai qua lại trên bờ, nhưng ngay lúc đó có một anh dân chài đi ngang qua. Lúc này tôi vẫn còn khá bình tĩnh vì còn tin rằng anh bạn trên bờ sẽ giúp mình được và anh dân chài kia sẽ nhanh chóng kéo tôi lên thôi.

Lúc đó, Minh còn đủ sức nâng đỡ tôi lên, nên tôi còn trồi lên ngụp xuống được. Vì thực chất chúng tôi đang ở khá gần, nên vẫn thấy khá rõ những gì xảy ra trên bờ. Anh dân chài mặc một bộ đồ màu xanh dương đậm, nét mặt khắc khổ và đội nón tai bèo. Tuy nhiên,  anh ấy đứng đó rất lâu mà không nhảy xuống cứu tôi*. Lúc này, tôi uống nước đã khá nhiều, sau này nghe Minh kể lúc đó Minh phải ngụp xuống chống luôn chân xuống cát (đầu cách mặt nước khoảng 40 - 50 phân) để nhấc tôi lên vì đuối quá, rồi lại trồi lên thở rồi lại ngụp xuống như vậy.

Cảm giác lúc đó thật đáng sợ. Mỗi lần tôi trồi lên được, tôi đều ráng hết sức mà hớp hơi, nhưng vừa ngụp xuống là phải ngoi lên ngay chứ không giữ được. Bình thường hớp một hơi như vậy người ta có thể nín thở cả 20 giây chứ chẳng chơi. Vậy mới biết, người ta chết đuối đa phần vì sợ và mất bình tĩnh. Anh chài vẫn đứng nhìn. Sau này anh bạn tôi nói, anh chài bảo: “Cầm giùm tao bao thuốc coi” và anh ấy cứ đứng do dự mặc cho anh bạn kia trình bày và năn nỉ. Anh ấy vẫn đứng nhìn xa xăm thế kia, mặc cho tôi và ông xã đang thi nhau lặn, ngụp.

Sau này ông xã tôi nói, không thể trách người ta vì không biết người ta đang nghĩ gì. Có thể là người ta tưởng mình đang giỡn, gần bờ thế mà, có thể người ta đang đánh giá tình hình, lựa cơn sóng mà bơi hay gì đấy.

Tôi vẫn thường hùng hồn tuyên bố: “Không sợ chết, chỉ sợ già” vậy mà lúc đó tôi lại cảm thấy một sự bất lực dâng trào, thấy mình quá nhỏ bé giữa đại dương và hoang mang nghĩ: “Không thể làm gì được nữa rồi”. Lúc ấy tôi lại chợt nghĩ: “Mình ngu ngốc quá, sao lại để lọt vào cảnh này. Phấn đấu gian khổ bao nhiêu năm, để đến trước khi huy hoàng lại có kết cục bi thảm này. Phải chăng số trời đã định? Nếu vậy thì thật là mỉa mai quá và thật là đau quá. Mình còn bao nhiêu hoài bão, ước mơ, mình không được sống để đi tiếp nữa sao?”.

Tôi lại nghĩ đến mẹ, tôi đi thế này chỉ sợ mẹ vật vã khóc than đau đớn cho tôi. Tất cả các ý nghĩ xảy ra rất nhanh, chỉ trong vài giây là cùng.

Nhưng thật đúng là có sự màu nhiệm, một “thiên thần áo trắng” đang bước tới. Ở cái bãi biển hoang vu này mà trong vài phút có đến hai người nam là dân địa phương đi qua. Cậu bé độ 20 tuổi, cao lêu nghêu, mặc cái áo thun dài tay màu trắng. Thật sự tôi không để ý được chuyện gì trên bờ nữa rồi, sau này tôi chỉ nghe kể cậu bé ấy quăng ngay nón nhảy ngay xuống để cứu tôi.

Lúc đó anh dân chài cũng đã ra xong quyết định. Có lẽ anh thấy cậu bé kia nhảy xuống, hay anh đã nghĩ ra được cách tối ưu cứu tôi chăng? Có thể do góc nhìn nên tôi không thấy cậu bé bơi ra, chỉ thấy anh chài đang chầm chậm, chầm chậm lội ra (chứ không phải là bơi). Trên miệng anh còn ngậm điếu thuốc và anh còn vội kéo thêm vài hơi thuốc.Thật là hài hước, lúc đó không biết sao mà tôi lại giận mình đã gây phiền phức cho người ta quá, phải lội xuống ướt hết đồ. Cái thân mình đang uống nước và ông xã sắp vọp bẻ, cả hai sắp chết đến nơi thì không lo.

Cuối cùng thì cậu bé đã ra tới. Dù khoảng cách khá gần nhưng biển liên tục sóng ra sóng vào nên di chuyển theo một hướng nhất định là điều cực khó. Tôi nhớ mình không dám bấu víu vào cậu quá mạnh, chỉ có kéo cái áo cậu bé muốn rách luôn thôi.

Anh chài cũng đã ra tới nơi, cả hai dìu tôi vào. Nếu chỉ có một người thì cũng không biết thế nào, nên tôi vẫn thầm cám ơn cả hai người đó. Lên đến nơi an toàn, tôi không phải thở được hồng hộc, mà chỉ thở được lướt kha lướt khướt vì quá mệt.

Tôi ráng cám ơn anh chài, anh ấy bỏ đi ngay. Tôi nhìn khuôn mặt cậu bé, cũng đang thất sắc đứng thở như chưa hiểu có chuyện gì xảy ra. Tôi ráng nói: “Cám ơn em” và cậu bé cũng quay đi ngay. Tiếc quá tôi không kịp xin số liên lạc của hai ân nhân cứu mạng mình, đặc biệt là cậu bé kia. Bây giờ tôi ngồi viết lại câu chuyện mà người ê ẩm, đầu nhức và một bên cổ hình như bị trặc vì ngước đầu lên quá mạnh và nhiều lần. Lúc tôi ngồi trên bờ được vài phút, nước biển bắt đầu thi nhau tuôn ra từ mũi.

Sau khi chết hụt, tôi ra chợ ăn sáng với mọi người vì tim đập chân run và đói lả. Lúc đó tôi mới cảm thấy quang cảnh, sự náo nhiệt xung quanh nó mới quý biết chừng nào. Vậy là tôi vẫn sống, suýt nữa đã có một “kịch bản” khác rồi.
Tôi hình dung rõ mồn một là đã “lên thiên đường” và gia đình tôi sẽ đau khổ quằn quại như thế nào. Đúng như lời Phật nói: “Mạng sống nằm trong hơi thở”. Mạng sống con người quá mong manh và sống chết lúc nào không ai biết được.

Đang ăn, tôi nghe ai đó nói chuyện: “Bây giờ phải chi có 750 triệu….”. Lúc đó tôi chợt nhận ra, chỉ có mạng sống con người là quý giá nhất, mất đi mạng sống thì 750 triệu hay 750 tỷ gì thì cũng là vô nghĩa. Nhưng vòng xoáy cuộc đời làm cho ta chỉ biết tới tiền tài, vật chất chứ ít khi nào để ý đến sức khỏe hay tính mạng của mình.

Nhìn lại sự việc, tôi rút ra được rằng hầu như cái gì xấu sắp xảy ra cũng có dấu hiệu cho mình thấy, nhưng chỉ vì ta không để ý hay quá tự tin mà không cảnh giác mà thôi, đến khi quá muộn thì…

Đêm trước khi tắm biển, chú người quen đã xách đèn pin dẫn tụi tôi đi một vòng trên bờ biển. Lúc này do thủy triều nên nước đang cuốn ra xa bờ lắm. Tôi thấy rõ những hố nước, không sâu lắm, chỉ độ 30 đến 50 phân nhưng lại rất rộng, như một cái ao. Tôi được giải thích đó là do nước xoáy. Tôi còn hỏi chú: “Mấy cái ao này nó như vậy luôn hay sao chú?”. Chú nói: “Không, có lúc này lúc kia chứ con”. Đó là dấu hiệu thứ nhất, mà tôi không chịu để ý.

Dấu hiệu thứ hai, anh bạn mới xuống đã bị đánh bay cái vòng tay vì sóng mạnh. Vậy mà tôi cũng không biết sợ. Khi tôi vừa lên được bờ, mấy cô dân chài chạy lại, nói: ‘”Tụi con đừng có tắm ở chỗ này, chỗ này có mấy cái ‘ao’, có người chết ở đây rồi”. Thật là hú hồn hú vía.

Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn đừng bao giờ cho con em mình tắm biển mà không có ai đi theo, bơi theo. Trẻ em phải mặc áo phao hoặc tay đeo phao. Không thể chỉ dựa vào cái phao bơi được, vì sóng có thể đánh bạt cả người và phao bất cứ lúc nào. Không thể dựa vào bất kỳ ai khác, vì không ai có thể quan tâm con em mình bằng mình. Các bạn thanh niên đừng vì bốc đồng mà tách xa đồng loại, hoặc vì quá tự tin mà mạo hiểm một cách ngu dốt như chúng tôi.

Đã bước xuống đại dương thì ta chỉ như con kiến mà thôi, không ai biết dưới chân mình đang có những cái bẫy nguy hiểm nào rình rập. Ngay cả khi bạn nghĩ có người sẽ giúp bạn, thì cũng chưa chắc là bạn sẽ được đưa lên bờ mà còn thở. Bên cạnh đó, bạn phải biết rõ khu vực mình đang tắm, biển động sóng to thì không nên xuống và nếu không biết bơi thì ở trên bờ chơi hoặc rửa chân bằng nước biển là vui rồi.

Xem thêm: Dòng chảy xa bờ - kẻ giết người nguy hiểm khi tắm biển.

Qua sự việc lần này, tôi thề phen này sẽ quyết học bơi, phải học bơi để tự cứu mình chứ không thể cứ trông chờ thiên thần tới cứu. Tôi biết chắc sẽ có người bảo "ngu thì chết chứ bệnh tật gì", thật ra tôi mong càng nhiều người nghĩ như vậy càng tốt, chỉ mong các bạn đừng có lặp lại cái ngu ấy của tôi.

Tôi hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp ích cho một ai đó, vì vậy tôi vô cùng biết ơn nếu bạn có thể chia sẻ nó cho bạn bè và người thân. Bạn không thể tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu lâm vào tình cảnh đó đâu, nên nếu có người cảnh báo cho bạn trước thì vẫn tốt hơn là không ai nói gì.

Trước kia, tôi đã đi biển nhiều lần, cũng đã hai lần gặp nguy hiểm. Lần đầu là tại Hồ Cốc, ở gần bờ mà cũng bị sóng đánh dạt vào mấy bãi đá ngầm nhọn hoắt, tôi sợ quá nên nhảy lên ngay. Lần thứ hai ở biển Cần Giờ, bãi biển này vốn bằng phẳng nhưng tôi vẫn bị hụt chân, may mà có người sát cạnh bên nên không sao, chỉ bị uống vài ngụm nước. Tuy nhiên, con người ta thường “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” vì thoát nạn nhanh quá nên chẳng để lại ấn tượng gì nhiều.
Xin cảm ơn các bạn đã đọc hết câu chuyện của tôi.

Trịnh Thị Bích Thủy (Vnexpress)

Kỹ năng thiết yếu để thoát khỏi "tử thần" khi đi biển

Đã quá nhiều cái chết thương tâm từ việc tắm biển. Và con người dường như luôn đứng trước cuộc chiến ko cân sức với thiên nhiên. Hy vọng những thông tin mình đưa dưới đây , tóm tắt ngắn gọn,dễ hiểu sẽ giúp ích được phần nào cho mọi người :

Bẫy của dòng chảy xa bờ thường là mặt nước lặng, ít sóng, làm mọi người tưởng nhầm đó là nơi an toàn.
Vùng có sóng không phải là vùng nguy hiểm, mà vùng có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn mới tiềm ẩn những nguy cơ. Cái cần là bạn phải:

1. Không được hoảng sợ: Cảm giác bị cuốn trôi ra ngoài khơi chắc chắn sẽ rất tệ và kinh khủng, nhưng hãy cố gắng giữ bình tĩnh vì đây là điều quan trọng nhất. Dòng rút bờ sẽ ko hút bạn xuống đáy, mà chỉ đưa bạn ra xa bờ thôi. Và thông thường, dòng chảy tức thời đưa bạn ra xa bờ khoảng 30m.

2. Không được bơi ngược dòng: Đừng cố gắng bơi ngược dòng để vùng vẫy thoát ra và vào lại bờ bởi điều này làm đuối sức nhiều và vô nghĩa mà hãy bơi song song với bờ biển.

- Với người biết bơi, thay vì cố bơi ngược dòng, hãy tìm cách bơi song song với bờ biển ( sang trái hoặc phải , đợi dòng nước yếu dần, thoát khỏi vòng xoáy thì hãy bơi vào bờ ) .

- Đối với người không biết bơi: Nếu lỡ bị vào trường hợp ấy thì hãy bình tĩnh và thả ngửa ra, cố gắng thả lỏng người, giữ cơ thể nổi bằng cách ngửa mặt hướng lên trên, dùng tay và chân quạt xuống nước. Vì nước biển có nhiều muối nên bạn sẽ rất dể nổi trên nó. Cố gắng kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người.

3. Tuyệt đối tránh xa những vùng có cắm cờ đen và chấp hành nghiêm các chỉ dẫn của lực lượng cứu hộ.

Như trên đã đề cập, hãy cố gắng giữ bình tĩnh vì điều này sẽ cứu sống bạn. Nếu hoảng loạn, cuộc sống của bạn sẽ rất mong manh...

FB Angelina Nguyen (Vitalk.vn)

ĐGD: Phải nhìn nhận rằng biển là chốn du lịch vô cùng lý thú mà ai ai cũng ham thích được ngâm mình dưới dòng nước mặn, được sóng biển vỗ ì ầm vào lưng nhưng một cách massage toàn diện. Vậy nhưng, hãy cẩn thận dù bạn biết bơi và bơi rất giỏi.

Biển không như hồ bơi do độ sâu có thể thay đổi bất chợt mà ta không thể ngờ. Biển không như dòng chảy của sông lạch vì có sóng, đôi khi lại có những con sóng lớn cao bất ngờ, ngoài ra còn giòng chảy ngược có thể cuốn bạn ra xa.

Bọn mình phượt biển nhiều, có lúc tắm tại những bãi biển vô cùng hoang sơ, không một bóng người. Sa cơ lúc ấy thì ai biết mà cứu? Vậy nên không lạ khi ở bất kỳ vùng biển nào: độ sâu nơi bọn mình vùng vẫy dưới bãi biển chỉ không quá thắt lưng dù mình biết bơi, biết lặn và có thể 'thả nổi' hàng giờ, thậm chí hàng buổi... trên mặt nước ít sóng.

Biển đẹp vô cùng bạn thấy không? Vậy nhưng cũng cần cẩn thận một tý để tránh hiểm nguy chợt đến vào lúc không thể ngờ tới. Biển Cần Giờ cạn ngắt, vậy nhưng vụ 7 em HS tử nạn tại đây là vì đâu?

Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment

Lịch sử đăng bài

Powered by Blogger.

Bài đăng mới

Thích thì click!^^

Bải đăng phổ biến