(TTO) - Ấm áp nghĩa tình biên ải.
Sáng ngày thứ hai trên biên giới mưa vẫn rơi nặng hạt, trời trở lạnh nhiều hơn. “Mưa nơi núi rừng Trường Sơn kéo dài nhiều ngày liền là bình thường”, người dân địa phương cho biết. Các thành viên quyết tâm: “Mưa rơi cứ rơi, ta vẫn cứ lên đường...”.
Thăm ông già mù tải đạn
Dãy Trường Sơn hùng vĩ trong cuộc chiến chống Mỹ với biết bao câu chuyện, nhân vật trở thành huyền thoại hào hùng. Những ngày trước khi khởi hành, hoa tiêu Hồng Lân - phó giám đốc Công ty du lịch Nam Phương chuyên tour đường Trường Sơn - giới thiệu một nhân vật như vậy. Đó là ông già mù đi tải đạn - già Alăng Bhuốc, sinh năm 1931, dân tộc Cơ Tu, bị mù từ năm 10 tuổi.
Trong vòng 14 năm (1958-1972), Alăng Bhuốc với chiếc gậy dò đường đã gùi khoảng 182.000kg hàng các loại, trong đó vũ khí, súng đạn là 120.000kg, lương thực 62.000kg trên tuyến đường Trường Sơn dốc cao, vực sâu góp phần cho cuộc kháng chiến thống nhất đất nước.
< Căn nhà bếp khá “độc” của gia đình do chính tay ông Bhuốch thực hiện.
Chiều ngày thứ hai của hành trình, vừa đổ hết một con dốc dài chúng tôi đến được nhà già Alăng Bhuốc, nằm ven đường Hồ Chí Minh thuộc thôn Aruung, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Hay tin khách phương xa đến thăm, già Alăng Bhuốc nhổm dậy, cười hiền lành. Ông nhướng đôi mắt đã hơn 70 năm qua không thấy ánh sáng như thể điểm danh từng thành viên đoàn. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe những ngày quyết liệt để được tham gia đoàn dân công đi gùi hàng tiếp tế cho bộ đội. Định hướng bằng gậy, tai nghe tiếng chân mọi người cùng bước theo, cứ vậy cùng hàng trăm dân công của các bản làng ông vượt suối, trèo đèo gùi 50-60kg hàng trên lưng không mệt mỏi.
Xỏ chân vào đôi dép râu, loại dép duy nhất mang từ những ngày còn là chàng trai 17 tuổi lần đầu làm dân công đi gùi hàng đến giờ, già Alăng Bhuốc đưa chúng tôi vào nhà trong thăm góc đặc biệt. Nơi đây có Huân chương Chiến công hạng 3, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và mới đây nhất là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của ông được treo trang trọng cùng ảnh Bác Hồ.
“Cha là tấm gương sáng cho chúng tôi và dân làng noi theo. Tôi rất tự hào” - Alăng Núi (30 tuổi), con trai già Alăng Bhuốc, chia sẻ. Chia tay già Alăng Bhuốc, chúng tôi bồi hồi đem theo những bộc bạch của người chiến sĩ cụ Hồ: “Ngày đó hay tin Bác Hồ mất, dân làng chúng tôi đã khóc. Cả làng đều thương mến Bác. Ước mơ lớn nhất trong đời của tôi là được một lần ra thủ đô thăm lăng Bác, nhưng tuổi tôi gần đất xa trời rồi, điều kiện kinh tế khó khăn chắc sẽ không thực hiện được”.
Nhà mới
Ngày thứ ba của hành trình ở huyện biên giới A Lưới, Thừa Thiên - Huế, mưa vẫn rơi không ngừng nghỉ, nhiệt độ càng xuống thấp. Cánh nữ phải vào chợ tìm mua ủng để giữ chân khô và ấm trên đường dài. Đó cũng là ngày đoàn được đi trên mây với hầm A Roàng 1, A Roàng 2 xuyên qua đỉnh Trường Sơn, rồi đổ vào nhánh Tây Trường Sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình.
Đèo Sa Mù dài 24km ở độ cao trên 1.400m so với mặt nước biển, còn được dân địa phương gọi là Cổng Trời đón chúng tôi bằng cái lạnh tê người. Sương mù giăng kín mặt đèo, trời xế chiều mà tầm nhìn phía trước chừng 4-5m. Đèo không dài, nhưng được xếp vào hàng hiểm trở bậc nhất vì độ dốc và quanh co. Trong chiến tranh, xe vận chuyển của bộ đội phải chào thua độ dốc của đèo và đi đường vòng 30km sang nước bạn Lào để trở lại chân đèo bên kia.
Bản Làng Ho có đồng bào dân tộc Vân Kiều thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, hiện ra dưới chân đèo. Nơi đây còn là điểm xuất phát con đường gùi thồ tiếp tế lương thực, vũ khí cho bộ đội năm xưa, vì vậy bản còn có tên là bản Trung Đoàn. Tranh thủ chút ánh sáng chiều còn lại, các tay máy tỏa nhanh vào bản chụp ảnh chân dung in tặng bà con.
Trong bản, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn do báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện từ năm 2009 cho các gia đình thương binh liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và đồng bào nghèo đang sinh sống dọc tuyến đường Trường Sơn. Riêng tại bản Làng Ho, chương trình khởi động năm 2011, đã xây mới 33 căn nhà tình nghĩa theo kiến trúc của dân tộc Vân Kiều, sửa lại ba căn khác đã xuống cấp cho hộ nghèo; xây dựng trạm dân quân y kết hợp, làm đường nội bộ, làm cổng chào vào bản, xây dựng nhà vệ sinh cho mỗi hộ và ủng hộ tiền mua giống vật nuôi, cây trồng cho dân.
Hai tháng qua được nhận nhà mới, vợ chồng Hồ Văn Thơi (40 tuổi), Hồ Thị Vang vẫn còn lâng lâng cảm giác vui: “Vợ chồng ưng trồng nhà từ lâu lắm rồi nhưng không có tiền. Khi biết mình được trồng nhà cây thay cho nhà tranh đổ nát, mừng hơn là mừng nữa”. Hai vợ chồng, bảy đứa con làm nương rẫy quanh năm cũng không đủ ăn đủ mặc cho đàn con. Thắp ngọn đèn dầu, cơi bếp lửa bùng lên ấm áp, già làng Hồ Thanh Bình nói: “Mùa đông về bản lạnh lắm, có nhà mới các hộ nghèo được ấm áp. Đó là niềm vui không thể tả của bản Làng Ho được sự chia sẻ của mọi người. Có đường sá tốt rồi, có nhà ở, giờ bà con chỉ mong bản có thêm điện để cuộc sống văn minh hơn”.
Thầy thuốc quân hàm xanh
Từ năm 2012, ba bản Làng Ho, Cát Mít và Ho Rum vui mừng có trạm quân dân y kết hợp chăm sóc, giúp đỡ sức khỏe cho bà con dân tộc Vân Kiều đặt tại Làng Ho. Đây là ba bản cách xa trung tâm xã đến 70km. “Mỗi khi ốm đau nặng, nhất là đêm hôm, việc di chuyển bệnh nhân đến được trạm y tế xã rất khó khăn. Nhiều trường hợp cấp cứu không kịp. Giờ đây bản chúng tôi biết ơn chú Luận vô cùng” - những người dân chúng tôi được gặp đều chia sẻ như vậy. Chú Luận được người dân quý mến là đại úy y sĩ Cao Thanh Luận thuộc đồn biên phòng Làng Ho, phụ trách trạm quân dân y kết hợp.
Bốn bề là núi rừng, sốt rét là căn bệnh gây khó khăn cho bà con nhiều nhất. Sau hai năm làm nhiệm vụ chăm sóc y tế, người thầy thuốc quân hàm xanh đã trị lành bệnh hơn 100 ca sốt rét tại chỗ cho bà con. Chưa có ca sốt rét nào anh phải chuyển lên tuyến trên. Vừa trị bệnh sốt rét, các chiến sĩ biên phòng đồn Làng Ho còn vận động tài trợ mùng, tỏa ra các bản hướng dẫn bà con cách giăng mùng chống muỗi, xóa các điểm nước tù đọng để muỗi không có chỗ sinh sôi... Ngoài thuốc cấp phát miễn phí cho bệnh nhân, trước trạm còn trồng vườn thuốc nam để chữa một số bệnh thông thường cho bà con.
Theo chân y sĩ Luận đến thăm các hộ dân, hình ảnh anh nói tiếng của đồng bào Vân Kiều thạo như tiếng Việt, nụ cười vui vẻ thân thiện càng thấy tình quân dân thân thương, gắn bó quá đỗi. Anh chia sẻ: “Bà con sống ở vùng biên giới còn khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm. Mình làm được gì giúp dân thì cố gắng hết sức. Ngoài chăm sóc y tế, trạm còn phối hợp với xã, bản vận động bà con giảm sinh con. Tỉ lệ sinh con ở đây rất cao. Trung bình mỗi gia đình có 5-7 con là bình thường”.
< Trẻ em dân tộc Vân Kiều ở bản Ho Rum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Sáng ngày thứ tư của hành trình, đoàn ghé thăm đồn biên phòng Làng Mô, thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Thấy hai chiếc xuồng dựng trước đồn, chúng tôi thắc mắc: “Xuồng di chuyển tuần tra cột mốc hoặc đến với dân?”. Trung tá Trần Văn Hóa - chính trị viên phó của đồn - cho biết xuồng dành để giúp dân chạy lũ. Mỗi năm lũ về, toàn bộ diện tích đồn trở thành nơi trú ngụ của dân ở các vùng trũng.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5
Theo Tố Oanh (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment