Cách Hà Nội hơn 300 km theo hướng tây bắc, dọc quốc lộ 4D qua Yên Bái, vòng vèo quanh co mới nhìn thấy phố xá. Đó chính là Phố Ràng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Bảo Yên, huyện cửa ngõ phía nam tỉnh Lào Cai.
Bề ngoài nơi này có vẻ bình an tĩnh tại, nhưng Phố Ràng đã trải qua bao biến cố, thăng trầm, vì địa thế chiến lược phải gánh lấy sứ mệnh lịch sử bảo vệ trường tồn mảnh đất biên cương miền tây bắc gắn liền với vận mệnh tổ quốc.
Đền Phúc Khánh hiện diện trên sườn đồi trung tâm thị trấn ngày nay chính là nơi thờ các chúa Bầu, là hai anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật. Hẳn là vị thủ lĩnh này đã nhìn ra địa thế cửa ngõ án ngữ Lào Cai của Phố Ràng, nên đã chọn đất này để xây thành đắp lũy nên thành Nghị Lang.
Thời vua Lê Chiêu Tông (1516 -1522) đã trao cho Vũ Văn Mật chức Tổng binh Tuyên Quang, sau này vì có công giữ trọn cảnh thổ, một lòng phò vua giúp nước, dạy dỗ dân làm ăn hưng thịnh khắp trấn Bảo Yên, Bắc Hà, nên được vua phong An Tây Vương, cai quản cả một vùng Tây Bắc.
Do vị trí án ngữ đường tiến thoái Bắc Nam, nên Phố Ràng có vai trò quan trọng trong quân sự. Thực dân Pháp đã chọn nơi đây để xây đồn chính, cùng với hệ thống đồn bốt giăng ngang theo trục Nghĩa Đô - Phố Ràng - Bảo Hà nhằm chia cắt và kiểm soát cả tỉnh Lào Cai, uy hiếp chiến khu Việt Bắc từ phía Tây.
Đồn Phố Ràng là nơi Pháp đóng sở chỉ huy tiểu khu quân sự, có pháo và nhiều ụ đại liên phòng thủ kiên cố. Phía Bắc và phía Tây là vực sâu, phía Nam được bao bọc bởi đá, phía Đông là dòng sông Chảy, Đồn Phố Ràng khống chế quân ta cả đường bộ và đường sông. Với quyết tâm nhằm phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch, bộ chỉ huy chiến dịch Sông Thao đã tập trung 3 tiểu đoàn: 11, 54 và 79 để công đồn và đã lập nên chiến công vang dội.
Những hiện vật của thành Nghị Lang ngày nay đang được ngành văn hoá sưu tầm bổ xung vào kho bảo tàng và trưng bầy với hậu thế về lòng tự hào dân tộc của cha ông ta xưa.
Đài ghi công Phố Ràng trên ngọn đồi được xây dựng và hoàn thành năm 1999, để ghi công các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến đấu tiêu diệt đồn giặc ngày 24 tháng 6 năm 1949 “Trận Phố Ràng” cùng với tên tuổi nhà văn liệt sỹ Trần Đăng đã đi vào lịch sử của đất nước.
Nếu như Lào Cai nổi tiếng về du lịch sinh thái cảnh quan, văn hoá dân tộc truyền thống hay du lịch tìm hiểu về lịch sử hào hùng, thì Phố Ràng là điểm mở đầu.
Dừng chân tại Phố Ràng, ta có thể theo đường 279 vào các xã Vĩnh Yên, Nghĩa đô có đồng bào Tày vẫn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hoá truyền thống. Qua núi Mã Yên Sơn ra sông Hồng ga tàu hoả Bảo Hà, từ nam đến bắc ai cũng vào đền thờ ông Hoàng Bảy thắp nén hương tưởng nhớ một danh tướng có công vào cuối đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng khoảng năm 1740.
Dừng chân Phố Ràng, hương vị còn thoảng lại là nhãn, vải, mơ, mít, xoài và bao hoa quả ngọt khác. còn muốn tìm vị giác để gây ấn tượng, thì hãy nếm chút rượu nồng được chưng cất từ đất và nước Phố Ràng tinh khiết. Cơm gạo ở đây có hương vị rất riêng, nếu như được yêu cầu thì các gia đình, các hàng quán sẵn lòng phục vụ món cơm Lam hoặc cơm nếp bảy mầu gói trong lá dong dùng tay bốc nắm khi ăn.
Thông tin thêm
Phố Ràng là thị trấn huyện lỵ của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Thị trấn Phố Ràng nằm tại nơi giao nhau của hai tuyến đường quan trọng là quốc lộ 70 quốc lộ 279. Phố Ràng có dòng sông Chảy chảy qua địa bàn. Theo số liệu thống kê năm 2009, thị trấn Phố Ràng có diện tích 1.365 ha, trong đó đất sản xuất nông lâm nghiệp 851,93 ha (đất nông nghiệp 276,8 ha, đất lâm nghiệp 546,93 ha).
Về địa lý: Bắc và Đông bắc thị trấn giáp xã Tân Dương, Nam giáp xã Long Phúc; Đông nam giáp xã Xuân Thượng; Tây bắc giáp xã Thượng Hà, Yên Sơn; Tây nam giáp xã Lương Sơn. Thị trấn Phố Ràng hôm nay là điểm giao cắt của 2 quốc lộ - 70 chạy theo hướng Bắc Nam và quốc lộ 279 chạy theo hướng Đông Tây- trở thành đầu mối giao thông, cửa ngõ của tỉnh Lào Cai.
Cùng với nhịp độ phát triển dựng xây các đô thị huyện lỵ của tỉnh Lào Cai, thị trấn Phố Ràng cũng đã được phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2005- 2020. Phố Ràng sẽ có 2 khu chính: Khu A có diện tích 230 ha, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế của huyện. Khu B có diện tích 192 ha, là khu phát triển mở rộng xuống phía Nam sẽ là trung tâm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện với các nhà máy, xí nghiệp. Về phía Bắc, hồ nước thơ mộng với mô hình nuôi cá lồng của cư dân thị trấn sẽ là trung tâm của khu du lịch sinh thái.
Đến với Phố Ràng, mùa nào cũng để lại trong ta những hương vị của nhãn, vải, mơ, mít, cam và bao hoa quả ngọt khác. Nhưng có lẽ gây ấn tượng mạnh hơn với du khách là ly rượu nồng được chưng cất từ hạt gạo đồng đất Phố Ràng. Cơm gạo ở đây có hương vị rất riêng, nếu như được yêu cầu thì các gia đình, các hàng quán sẵn lòng phục vụ món cơm lam hoặc cơm nếp bảy mầu gói trong lá dong.
Tổng hợp từ internet
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment