Thursday, 13 March 2014

Bánh uôi là đặc sản của người Mường ở Hòa Bình, bánh có rất nhiều tên gọi như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết. Bánh uôi giản dị, tượng trưng cho tình yêu thương. 

Trong những ngày lễ, Tết, trên mâm cỗ của gia đình người Mường không thể thiếu loại bánh này. Đây cũng là niềm tự hào của người Mường, là một nét độc đáo trong nền văn hóa ẩm thực của người dân ở đây.

Trong tiếng Mường, bánh uôi được goị là "peẻng Uôi". Không ai biết bánh uôi có từ khi nào, kể cả những cụ cao niên trong làng, chỉ biết rằng bánh đã được truyền qua nhiều thế hệ. Trong những ngày lễ Tết, bánh là một vật phẩm không thể thiếu trên mâm cỗ trong gia đình người Mường ở Hòa Bình.

< Bột gạo nếp xay (hoặc giã) nhuyễn nhào đều tay với nước để thành một khối bột trắng, mềm, mịn, dẻo.

Nguyên liệu chính để làm nên loại bánh thơm ngon này là bột gạo nếp nương. Loại bánh rất giản dị, có hình dáng và hương vị rất đặc biệt đem lại sự thích thú cho người ăn. Làm bánh uôi rất đơn giản nhưng cần sự tỉ mỉ.

Khâu quan trọng nhất là chuẩn bị bột để làm bánh. Gạo làm bánh được chọn từ loại gạo nếp nương còn thơm hương lúa mới. Vo gạo thật sạch, ngâm gạo trong nước khoảng hai giờ cho mềm, vớt ra để ráo nước và đem xay.

< Nhồi nhân bánh vào giữa và bao bột lại, nhân có thể là mặn hay ngọt tùy thích. Hai phần bánh giống hệt nhau được đặt ở hai đầu đối xứng trong một tấm lá chuối nho nhỏ, rồi cuộn lại, xoắn chặt tay, chập đôi thành một khối.

Bánh uôi được làm với hai loại nhân là mặn và ngọt. Nếu là nhân ngọt thì được làm bằng hạt đậu nho nhe (một loại hạt đặc trưng của người Mường ở Hòa Bình) hoặc đậu xanh, theo người dân ở đây, nho nhe là ngon nhất. Hạt nho nhe được nấu chín rồi giã nát, cho ra bát và trộn với đường. Riêng nhân mặn, chỉ cần tẩm ướp thịt lợn với gia vị cùng một ít tiêu là được.

Lá dùng để gói bánh là loại lá chuối rừng hoặc lá chuối tây, lá được cắt thành từng miếng vừa gói. Trước khi gói, người dân thường phơi lá chuối ngoài nắng hoặc hơ qua lửa cho mềm để lá không bị rách khi gói, sau đó dùng khăn lau thật sạch lá trước khi gói bánh.

< Sau khi gói, bánh sẽ có hình dáng như thế này: tuy hai mà một!

Bột hòa vào nước, trộn nhuyễn thành một khối trắng tinh, rồi xắt thành từng miếng nhỏ, cho nhân bánh vào giữa và vo tròn lại. Khi gói, đặt hai phần bánh ở hai đầu đối xứng trong miếng lá chuối, cuộn lại, xoắn nhanh và chặt tay.

< Xếp bánh vào chõ rồi hấp cách thủy trong khoảng 45 phút đến 60 phút.

Sau đó, gập đôi hai đầu thành một và buộc lại bằng một dây lạt mềm, cuối cùng cắt gọn cuống lá chuối thừa sao cho gọn gàng và đẹp mắt. Bánh có hình dạng khá kỳ lạ và đặc biệt với hai phần giống hệt nhau như song sinh, hai bánh úp mặt vào nhau tuy hai mà như một.

Bánh gói xong được xếp vào chõ theo chiều dựng đứng để khi hấp bánh được chín đều. Hấp bánh trong khoảng gần một giờ đồng hồ, khi thấy lá chuối chuyển sang màu đậm là bánh đã chín, gắp bánh để ra đĩa. Khi ăn, tháo dây lạt ra, tách hai đầu lá đang che kín hai phần bánh, nhẹ nhàng khéo léo bóc lớp lá chuối bên ngoài từ trên xuống theo chiều gân lá.

< Khi ăn tước thật nhẹ, thật chậm từ trên xuống theo chiều gân lá. Bánh có hương thơm và vị ngọt rất đặc trưng, điển hình cho văn hóa ẩm thực dân tộc Mường.

Vì bánh rất dẻo, dính chặt vào lá chuối nên phải tước thật nhẹ, thật nhỏ thì bánh mới không bị dính vào lá. Ăn bánh uôi, cái dẻo của lớp vỏ bánh, vị thơm ngon của phần nhân bên trong như hòa quyện vào nhau, đem đến cho người ăn một hương vị thơm ngon đậm đà rất khó quên.

Theo Ngọc Miên (Vnexpress)
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment

Lịch sử đăng bài

Powered by Blogger.

Bài đăng mới

Thích thì click!^^

Bải đăng phổ biến