Monday, 17 March 2014

Không phải lúc nào bạn cũng có thể mang theo xe máy của mình khi đi chơi. Ví dụ như bạn ở Sài Gòn mà ra đi phượt Tây Bắc; hoặc bạn ở Hà Nội mà muốn nếm nắng gió Phú Quốc.

Giải pháp lúc đó tất nhiên là phải thuê xe máy ở điểm đến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều phượt thủ không quan tâm đủ đến phương tiện vận chuyển quan trọng trong suốt chuyến đi của mình để phải lâm vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười”, nhất là các bạn nữ.

Nga, Ngọc và Hương (sinh năm 1988, Hà Nội), chơi với nhau từ cấp 2. Năm ngoái, nhân dịp lễ 30/4, cả ba mới quyết định xin nghỉ thêm vài ngày, làm chuyến “du hành phương Nam”, điểm dừng chân quan trọng là Phú Quốc – đảo Ngọc.

Lâu lâu được một chuyến chơi xa, nên cả 3 khá "phởn". Ngay khi vừa bước chân xuống Phú Quốc, vào buổi trưa, cả ba đã vội vàng nhờ chủ khách sạn mà họ đã đặt phòng trước thuê giùm hai chiếc xe tay ga. Vài phút sau, một Mio, một Nouvo đã có mặt.

Lúc đi về Rạch Vẹm, vì đường đất đỏ còn dính trời mưa, Nga chở Ngọc trên Nouvo đã bị té sau khi cố tránh một vũng nước. Sau khi lồm cồm bò dậy, yên tâm thân thể chỉ bị trầy trụa sơ sơ, cả hai bắt đầu đánh giá tình trạng xe và tìm lý do vì sao mình đi cực chậm mà vẫn bị té. Nhìn vào hai lốp xe trơn láng, Nga đã hiểu ngay vì sao mình đo đường: hai lốp xe chẳng còn cái gai nào.

Sau khi dựng xe lên, cả hai lại càng tá hỏa, do thấy cái gì đó trong tay côn bên trái rớt ra. Rõ ràng, họ bị té không nặng, vì đi chậm nên khi gặp đường trơn xe chỉ bị trượt bánh, té xuống tại chỗ. Thế mà, chẳng hiểu tại sao, cục sắt bên trong tay côn bên trái có thể rớt ra. Theo đó, cả ba nghĩ chắc là do người mượn phía trước hoặc chủ xe đã làm hư. Và, phải sáng cuối cùng ở Phú Quốc, lúc họ kêu chủ xe tới trả, thì họ biết là mình đã “ngây thơ” khi nghĩ thế.

Vừa tới nơi, chủ xe với khuôn mặt bặm trợn đã vội vàng tới kiểm tra xe. Khi thấy xe trầy trước, ông ta vội xụ mặt xuống, lên tiếng chất vấn vì sao lại thế. Biết mình đã sai, nên Nga nhận ngay là mình té xe.

Sau khi đi một vòng kiểm tra, ông ta liền giật cục côn ra rồi nói là bọn Nga đã làm gãy luôn cái đó. Nga, Ngọc và Hương ra sức phân trần, nhưng ông ta vẫn khăng khăng là bọn họ làm hư; rồi đòi bồi thường... 1 triệu. Bực tức, Nga lấy chiếc Mio đi hỏi thợ sửa xe, họ cũng nói thay cái đó đắt lắm, chứ không rẻ. Vì không còn thời gian, tàu sắp chạy, cả ba không thể tự đi sửa, hay kỳ kèo gì nữa, đành phải đưa tiền cho chủ xe trong sự tức giận.

Cũng như thế, chị Châu (sinh năm 1983), đang làm trong một công ty truyền thông tại quận 1, từng một lần hú hồn vì chiếc xe đi thuê lúc về Trà Vinh cách đây vài tháng.

Châu kể: “Vừa thuê xe xong, bước lên xe là bụng dạ bắt đầu cồn cao lo sợ. Càng đi, chiếc xe càng nóng lên như thể sắp bốc cháy tới nơi. Xích xe kêu to hơn còi, dàn xe thì rung lắc dữ dội, như gần rã ra từng cái. Tới lúc nghĩ là thôi xuống dắt bộ cho an toàn, thì xe bỗng dưng dừng lại, thì ra trong bình xăng đã không còn giọt nào. May lúc đó đi với vài người bạn ở địa phương, không thì chị cũng khóc bằng tiếng Hán”.

Sau khi đổ một ít xăng, không ai trong nhóm, kể cả các bạn trai, đủ can đảm để sử dụng chiếc xe đó, đành gửi lại nhà người quen rồi mượn chiếc khác, chấp nhận mất 170k (170 ngàn đồng) tiền thuê xe hôm đó.

Xe thuê thường “cùi” nhưng vì quá hưng phấn khám phá chỗ mới cũng như thiếu hiểu biết về xe cộ, rất ít phượt thủ, nhất là các bạn nữ, chịu khó kiểm tra kỹ chiếc xe đi thuê. Để đến khi, xe bị hư đột ngột ở các khu vực vắng vẻ, xa lạ hoặc bị các chủ xe và sửa xe chặt chém mới hối hận. Thế nên, có thể bạn không rành xe vẫn nên kiểm tra vài cái cơ bản khi nhận một chiếc xe thuê.

Đầu tiên, xăng trong bình có còn không. Thứ hai, phanh (thắng) có còn dùng được không. Thứ ba, máy nổ có êm không; khi di chuyển xe có rung lắc nhiều không. Thứ tư, tìm những trầy xước hoặc gãy đổ của xe và nói trước để không bị đền oan ức như các cô gái trong bài. Cuối cùng, nên thuê xe số thay vì tay ga, vừa ít hao xăng, lúc hư còn dễ dắt bộ và đền tiền ít hơn.

Theo Tương Như (Đất Việt)

Kinh Nghiệm Thuê Xe Máy

Bạn có thể liên hệ với ngay khách sạn của bạn ở để thuê xe (rất tiện lợi), nếu tại khách sạn bạn không có dịch vụ này thì hãy thử hỏi … tiếp tân khách sạn. Xe của tiếp tân tại khách sạn là xe cá nhân đương nhiên chất lượng thì khỏi lo rồi, vấn đề là bạn nói làm sao để người ta có thể cho bạn thuê mà thôi.

Nếu cách trên không thể thực hiện được bạn đành phải liên hệ với các tiệm dịch vụ cho thuê xe tại nơi bạn du lịch. Nếu vẫn không có, bạn có thể liên hệ với các tiệm cầm đồ để “xin” thuê xe. Khi thuê tại các tiệm cầm đồ nên chọn các xe nhìn mới một tí (tránh trường hợp khô nhớt hay một số sự cố mà có thể làm bạn tốn thêm tiền hoặc chết máy dọc đường). Ngoài ra bạn cũng có thể thương lượng với các bác xe ôm gần khách sạn để thuê (không phải ai cũng chịu cho thuê hết), xe của mấy bác này có thể không đẹp lắm nhưng được cái là chất lượng luôn tốt và xăng luôn… đầy.

Khi thuê xe bạn cần phải có CMND hoặc passport, cung cấp cho họ số điện thoại của bạn và khách sạn bạn đang ở, đồng thời bạn cũng nên lấy số di động của người cho thuê để nhờ họ lấy xe mà khỏi cần giao trực tiếp.
Nhớ kiểm tra thắng trước, sau , đèn, còi, vỏ trước sau (không quá mòn) và khoá cổ trước khi thuê xe. Quan sát kỹ những vết hư hỏng nếu có trên xe, và chỉ trước cho người cho thuê được biết. Chọn các xe đời sau, sẽ yên tâm khi sử dụng hơn.

Sau khi thuê bạn nên chạy ra cây xăng gần nhất để đổ xăng trước khi đi “bụi”. Trên đường, khi gặp khó khăn về máy móc mà bạn không xử lý được, hãy nhờ người chủ của chiếc xe đó giúp. Nếu bạn vì một lý do gì đó mà bị các các anh giao thông “hỏi thăm” thì bạn nên chấp hành luật, nếu bị yêu cầu tạm giữ xe thì… năn nỉ, các anh ấy có thể tạm bỏ qua việc giam xe với trường hợp là khách du lịch từ nơi khác đến.

Theo Du Lich Xe May
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment

Lịch sử đăng bài

Powered by Blogger.

Bài đăng mới

Thích thì click!^^

Bải đăng phổ biến