(iHay) - Tất cả những gì mình biết về miền Tây Nam Bộ đều là qua phim, sách và truyện. Có đi mới biết miền Tây đâu chỉ là "đất phương nam", là cánh đồng bất tận, là những chiếc áo bà ba với điệu lý câu hò...
Miền Bắc của tôi hùng vĩ với núi rừng thì miền Nam mênh mông sông nước chan hòa với nụ cười và sự thân thiện mến khách.
< Khung cảnh mây trời, sông nước miền Tây Nam Bộ trong một ngày nắng đẹp.
Tôi đã đi và chinh phục đất mũi Cà Mau - cực Nam của Tổ quốc. Chuyến đi không dài nhưng thực sự đã để lại ấn tượng nhiều về cảnh sắc và sự thân thiện của con người nơi miền sông nước. Trong vòng chưa đầy một tháng, tôi đã tập hợp được đoàn gồm 12 người đủ mọi miền tổ quốc.
< Cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền tại Mỹ Tho.
Không quen biết nhau nhưng cả đoàn thực sự rất đoàn kết và đã cùng nhau trên một cung đường thành công.
Phần 1: Mênh mang sông nước
Ngày 1: Sài Gòn - Tiền Giang (70km) - Bến Tre (20km) - Trà Vinh (55km) – Sóc Trăng (40km) - Bạc Liêu (100km) Tổng sô 285km.
Bất đồng ngôn ngữ
< Cả đoàn chụp hình trên phà Thới Lộc, khởi đầu cho hành trình qua một loạt phà.
Đoàn khởi hành lúc 7 giờ sáng tại TP.HCM. Thời tiết nắng đẹp với trời xanh và mây trắng càng khiến cho hành trình của chúng tôi thuận lợi.
Đến Mỹ Tho đoàn ăn sáng muộn tại nhà một chị lớn tuổi nhất đoàn.
< Bữa sáng với món gà xé phay thật ngon tại nhà một thành viên tại Ngũ Hiệp (Mỹ Tho).
Thật tuyệt vời khi được thưởng thức món gà xé phay với nõn chuối, nồi cháo gà thơm phức và cả những trái sầu riêng nữa. Mọi người cũng dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để nói chuyện và làm quen nhau.
< Trên phà Cổ Chiên.
Đường miền Nam dễ đi không chỉ vì bằng phẳng, thường cặp sông, loanh quanh đâu cũng tìm ra được, mà còn vì các thị tứ thường chỉ cách nhau 60 km. Ngoài ra chúng tôi cũng còn được trợ giúp khá nhiều từ những người dân thân thiện nơi đây.
< Bạn sẽ thấy mình thật nhỏ bé trước khung cảnh mênh mông nơi đây.
Được trả lời tận tình, nếu họ không biết sẽ gọi điện hỏi người thân, thâm chí lấy xe dẫn chúng tôi đi. Quả thực đó là điều mà chúng tôi vô cùng cảm kích và yêu quý.
< Một cây cầu sắt khá hẹp bắc qua sông Cổ Chiên.
Một điều thú vị nữa là về việc bất đồng ngôn ngữ. Ví như việc mua vé phà, bạn tôi nói “cho cháu sáu cái vé” mà mãi người ta không hiểu. Lúc sau một chị người miền Tây trong đoàn giải thích mới rõ. Số 6 - không đọc là “sáu” mà là đọc giống “sáo” hơn, tượng tự số 1 - không hẳn là “một” mà là “mộc”...
< Món bánh bò nướng rất béo ở Trà Vinh.
... Và thậm chí “vé” thì không ai hiểu mà phải là “dzé”. Về sau quen dần, thủ quỹ của đoàn cũng là ôm xe mình đã tập được nói giọng miền Nam nhiều hơn và không gặp khó khăn nữa. Quả đúng là nhập gia phải tùy tục.
Vì rất muốn được trải nghiệm nhiều hơn miền sông nước, chúng tôi quyết định chọn cung đường qua nhiều bến phà: Ngũ Hiệp và Thới Lộc (Mỹ Tho), Cổ Chiên (Trà Vinh), Cầu Quan và Đại Ngãi (Cù Lao Dung, Sóc Trăng).
< "Khung cửa" của trời đất.
Thời gian qua phà làm chậm nhịp độ đi đường nhất là đoạn qua Cù Lao Dung. Trung bình mỗi phà đi mất 10 phút thì đoạn qua Cù Lao Dung mất chừng 30 phút, đấy là chưa kể thời gian chờ. Giá qua phà chủ yếu là tiền xe, cũng khá "mềm" với chỉ 6.000 - 7.000 đồng/xe.
Đoàn chúng tôi ăn trưa ở Trà Vinh, với món bánh bò nướng ở gần chợ. Tên bánh có chữ bò nhưng lại hoàn toàn làm từ dừa, bánh khá ngọt nên ăn nhiều sẽ ngấy. Và tất nhiên là không thể thiếu món nước dừa tươi mát ngay tại xứ dừa được.
Cánh đồng xanh, nước bạc mấy hàng dừa
< Những hàng dừa nước xanh biếc bên bờ Cù Lao Dung.
Cù Lao Dung là một cồn đất chạy dài trên sông Hậu thuộc huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Nơi đây như một ốc đảo xanh với những rừng dừa xanh mướt, những khu dân cư sống bám liền với mặt nước.
< Người lái đò bên sông Hậu.
Tuyến đường quanh Cù Lao Dung chỉ là những nhánh nhỏ đủ một xe đi nhưng khiến chúng tôi như lạc vào khu rừng rậm rạp. Bên những khu rừng bần xanh mát, um tùm là những người dân bản địa thân thiện và vui tính.
Thời gian đi qua nhiều phà đã đưa chúng tôi được ngắm nhìn toàn cảnh vùng sông nước mây trời nơi đây.
< Khung cảnh hữu tình nên thơ.
Tôi đặc biệt ấn tượng với những khu rừng dừa nước. Một màu xanh bạt ngàn mát mắt đung đưa trong gió, nổi bật giữa mênh mông sóng nước mây trời.
Thi thoảng những chiếc ghe thuyền với những thanh niên cởi trần khỏe khắn hay những cô gái trong tà áo bà ba khiến khung cảnh vô cùng hữu tình.
< Những người dân thân thiện và quá đỗi vui tính.
Qua khung cửa của phà, dưới trời xanh mây trắng với những làn gió miền tây thô ráp, sóng nước sông bắn cao chạm cả vào những khuôn mặt sạn đi vì nắng. Điều này khiến chúng tôi vô cùng thích thú, những thứ mà trước đây chỉ có thể thấy trong những bộ phim miền tây vậy.
< Chuyến phà Đại Ngãi qua sông Hậu.
Những khoảnh khắc vui tươi này được chụp khi tôi lang thang trên Cù Lao Dung trong lúc đợi phà. Họ tỏ ra thân thiện và tươi vui nhất có thể khi tôi mở lời xin phép chụp hình.
< Đường Nam sông Hậu qua nhiều cánh đồng xanh ngút ngàn.
Cung đường nam sông Hậu từ Đại Ngãi từ chạy dọc ven đường đê đến Bạc Liêu dài hơn nhiều so với tuyến đường quốc lộ 1. Tuy nhiên lý do tôi chọn con đường này vì sẽ được qua nhiều cánh đồng lúa đẹp, nhiều kênh rạch và cửa sông.
< Thênh thang những con đường qua miền lúa.
Những hàng dừa thẳng tắp đổ bóng nắng xuống đồng lúa xanh bát ngát, những đàn chuồn chuồn bay lượn trong ráng chiều rực rỡ.
< Khung cảnh thi vị với những hành dừa trên mênh mang đồng lúa xanh.
Lúa tại đây được trồng với mật độ rất dày, các thửa ruộng cũng không bị phân nhỏ. Điều này khiến cho những cánh đồng trông giống như mảng màu xanh bắt mắt.
< Xóm chài bên cửa sông.
Những khung cảnh đẹp, thơ mộng đậm chất miền Tây khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, có lẽ vì thế mà tốc độ đi rất chậm cho dù đường thông thoáng vô cùng.
< Món bánh cống tại Bạc Liêu. Được làm từ bột gạo, đậu xanh, thịt băm và tôm.
< Cầu Bạc Liêu rực rỡ trong đêm.
Đoàn nghỉ tối ở Bạc Liêu và thưởng thức món vịt nấu chao. Dạo mát trong đêm trăng ở Bạc Liêu rất đẹp. Chỉ duy có một điều hơi tiếc nuối là nhà công tử Bạc Liêu đã không còn thay vào đó là khách sạn 5 sao.
(Còn tiếp)
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4
Phượt ký của Ngô Huy Hòa (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment