Showing posts with label Lễ hội. Show all posts
Showing posts with label Lễ hội. Show all posts

Friday, 16 May 2014

(TQO) - Đến trung tâm xã Hồng Quang (Chiêm Hóa), hỏi thăm thôn Thượng Minh còn bao xa, một vài người dân chỉ tay vào con dốc ngoằn ngoèo: “Cứ đi, gần một giờ nữa”. “Gần một giờ” hệt như cái “quăng dao” mà ngày trước đồng bào miền núi vẫn thường nói. Vậy là, việc tìm hiểu về lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã được hé mở từ một chuyện như thế.

Vùng đất có câu chuyện huyền bí

Con đường đất rộng chừng 3 m, dài gần 10 cây số với những dốc, đèo quanh co đưa chúng tôi đến với thôn Thượng Minh. Phải loay hoay mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vào được đến thôn. Dựng chân chống xe cũng là lúc trên người lấm lem bùn đất, chúng tôi gặp một người đàn ông để hỏi thăm nhà ông thầy cúng nhảy lửa.

Nhìn thấy bộ dạng chúng tôi, anh huơ tay nói giọng lơ lớ: “15 năm về trước, để ra, vào thôn, bọn anh luôn phải đi men theo những bờ ruộng, con suối. Hồi đó chưa có đường nên xe đạp cũng chịu thôi, dân ở đây một là cưỡi trâu, hai là đi bộ. Bây giờ bọn em được cưỡi xe máy vào đây là quá được rồi”. Người đàn ông ấy là Phù Văn Chi, người thôn Thượng Minh.

Khách đến thôn liên hệ công việc, muốn nhanh chóng đều phải qua nhà bà Bàn Thị Tài, Bí thư chi bộ thôn. Bà Tài có dáng người cao, đậm, giọng nói sang sảng như đàn ông. Bà Tài cho biết, Thượng Minh là thôn vùng cao của huyện Chiêm Hóa, có ranh giới giáp với tỉnh Hà Giang. Thôn có 136 hộ, 656 nhân khẩu với 6 dân tộc, gồm: Pà Thẻn, Mông, Dao tiền, Tày, Nùng, Thủy, trong đó dân tộc Pà Thẻn đông nhất có gần 400 người. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc riêng, nhưng đặc biệt, dân tộc Pà Thẻn, có lễ hội nhảy lửa rất độc đáo mà không một dân tộc nào có.

Ông thầy cúng tên là Húng Văn Hin, dân tộc Pà Thẻn. Nhà ông Hin nằm trên một quả đồi thấp cùng với hơn chục nhà khác. Năm nay ông 70 tuổi nhưng đã đi học làm thầy cúng từ năm 16 tuổi nên rất có uy tín. Ông Hin lấy ra một thanh gỗ dài khoảng 4 gang tay, trên đó có gắn miếng sắt dọc theo chiều dài thân thanh gỗ và một thanh tre nhỏ có vải màu đỏ quấn ở một đầu, ông gọi hai thứ ấy là “pạn dơ”. “Đó là tiếng Pà Thẻn đấy, nhưng nó cũng chẳng có nghĩa gì cả.

Từ khi tôi được đẻ ra, chỉ biết ông bà tôi gọi thế nên gọi theo. Cái này dùng trong lễ hội nhảy lửa, để cúng mời thánh ở trên trời xuống đấy”. Ông kể, thầy làm lễ mặc quần áo, mũ cúng, cắm chặt “pạn dơ” vào một đầu ghế băng, rồi cứ dùng thanh tre quấn vải đỏ mà gõ vào đó, miệng thì lẩm nhẩm khấn. Thông thường, việc chuẩn bị phải bắt đầu trước lễ nhảy lửa khoảng vài tiếng đồng hồ. Lễ vật cúng trong lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn rất đơn sơ, gồm một bát hương nhỏ, một con gà luộc, chục chén rượu trắng, vài ôm củi gỗ rừng để đốt thành than hồng. Phụ nữ và trẻ em ít tuổi chỉ được xem, không được tham gia nhảy lửa. Trước mỗi buổi lễ, thầy cúng phải làm lễ để thần linh cho phép người Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường nhảy vào đống lửa.

Phần làm lễ này kéo dài hơn một tiếng, có khi vài tiếng đồng hồ. Khi trời tối, đống củi sẽ được đốt cháy tạo thành đống than đỏ rực. Những người đàn ông Pà Thẻn tụ tập quanh thầy cúng, nghe tiếng thầy khấn và tiếng gõ của “pạn dơ” mỗi lúc một gấp gáp. Sau đó, thân mình thầy cúng và những người đàn ông tự nhiên rung lên bần bật. Anh Phù Văn Chung, người đàn ông đã từng nhảy lửa ở thôn nói rằng, lúc đó trong anh như có sức mạnh phi thường, sau khi thầy cúng làm lễ, anh nhảy cả hai chân vào đống than đỏ rực, bốc than tung lên như những chùm hoa lửa, nhưng không cảm thấy nóng và cũng không hề bị bỏng.

Sức sống của một lễ hội

Ông Hin nói rằng, nhảy lửa có từ khi người Pà Thẻn được sinh ra. Nhưng người Pà Thẻn có từ khi nào thì cũng không ai được rõ, chỉ biết là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đến nay, dân tộc Pà Thẻn chỉ sống tập trung ở huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang) và thôn Thượng Minh (Chiêm Hoá).

Với người Pà Thẻn, lửa được coi như vị thần rất linh thiêng của họ. Nhảy lửa thường được tổ chức vào cuối năm, khi thời tiết đang bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất của mùa đông. Lửa sẽ giúp mang lại cho đồng bào Pà Thẻn sự ấm áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc, cầu thần linh phù hộ cho dân an vật thịnh và xua đuổi tà ma, đẩy lùi bệnh tật.

Nhảy lửa là sinh hoạt văn hóa mang tính chất tâm linh, thể hiện một sức mạnh phi thường của những người đàn ông Pà Thẻn muốn chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Đời này qua đời khác, lễ hội nhảy lửa đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Có thể nói, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là kết quả từ lao động. Đây là sinh hoạt tinh thần hết sức phong phú và độc đáo của dân tộc Pà Thẻn, chứa đựng những giá trị văn hóa đậm nét của miền sơn cước.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang dần tạo điều kiện cho các phong tục tập quán mang đậm bản sắc của các dân tộc được phát huy. Trong đó, người dân thôn Thượng Minh, đặc biệt là đồng bào dân tộc Pà Thẻn đang sinh sống ở đây có cơ hội được khôi phục, thưởng thức và tham gia lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Con trẻ sẽ lại được chiêm ngưỡng những bước nhảy đầy khí thế, thể hiện lòng dũng cảm, sự phi thường của cha anh mình, điều mà chúng chưa bao giờ được biết đến từ khi sinh ra. Cuối năm 2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với huyện Chiêm Hóa tổ chức khôi phục lại lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn thôn Thượng Minh.

Gần 30 năm kể từ lần đầu tiên ông Húng Văn Hin gõ vào chiếc “pạn dơ” trong cuộc đời làm thầy của mình, thì đến năm ấy, trong cái giá rét của mùa đông, ông lại được làm lại cái điều thiêng liêng đó để cầu xin thần linh trên trời phù hộ cho bà con dân bản có được cuộc sống no ấm, ban cho con cháu Pà Thẻn có sức khỏe để chiến thắng bệnh tật, chăm lo lao động, xua đi cái nghèo. Chưa hết, áp Tết Tân Mão năm 2011, một lần nữa, những chùm “hoa lửa” ở Thượng Minh lại có dịp nở bừng lên. Từ đây, chắc chắn nhiều người trong và ngoài tỉnh sẽ biết đến một thôn vùng cao có dân tộc Pà Thẻn sinh sống, một lễ hội có đủ sức quyến rũ để níu chân du khách.

Theo Việt Hòa (báo Tuyên Quang)
Du lịch, GO!

Tuesday, 13 May 2014

(TTO) - Không chỉ là địa điểm lý tưởng để lặn biển ngắm san hô và thám hiểm các ghềnh đá hiểm trở, cù lao Cau (còn gọi là Hòn Cau, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) còn có một lễ hội Nghinh Ông thu hút nhiều ngư dân địa phương và du khách tham gia.

Nửa đêm xem lễ thiêng

Vào đêm rằm tháng 4 hằng năm tại Hòn Cau lại xuất hiện hàng ngàn người khua chiêng gióng trống khai lễ - mở hội và ăn uống ca hát thâu đêm suốt sáng.

17g. Tiếng trống khai hội liên hồi vang vọng đảo hoang. Hàng ngàn người từ các bãi biển tập trung về nơi phát ra tiếng trống. Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy trên hòn đảo hoang vu có một đền thờ cổ kính. Vị chủ tế, tên Trần La, nói: “Tui không biết xây từ hồi nào, nhưng đoán nó gần 100 năm rồi”. Theo một vị cao niên trong ban tổ chức, hàng trăm năm trước có một “Ông” lụy vào đây, người dân địa phương đã làm lễ chôn cất, lập đền thờ và lễ hội này cũng bắt đầu từ đó.

Sau phần nghi lễ, một kiệu có bài vị “Ông” được hàng chục chàng trai khiêng đi. Trong lúc chiếc kiệu len lỏi giữa những khối đá hoang sơ, tiếng trống và chiêng không ngừng rền vang. Khi kiệu đặt trang trọng trên bãi cát cách miếu cổ chừng 500m, chủ tế đứng hướng mặt ra biển, tay cầm những cây nhang nghi ngút khói, miệng lâm râm khấn vái cầu cho quốc thái dân an, biển được mùa, ngư dân được bảo vệ...

Vị chủ tế vừa dứt lời, tiếng chiêng hòa với tiếng trống nổi lên. Lập tức một đội múa hát bả trạo trong trang phục lính thủy ngày xưa, vai đeo gươm, tay cầm mái chèo, đứng xếp hàng thành hình chiếc thuyền thực hiện những động tác chèo thuyền, kéo lưới ... Trăng rằm tháng 4 đỏ rực nhô lên mặt biển. Xa xa, vô số tảng đá nhấp nhô lờ mờ. Sóng biển lấp lánh ánh trăng. Đảo thêm phần huyền bí. Hàng ngàn người chia thành nhiều nhóm ca hát, ăn uống trên bãi cát hoặc tảng đá phẳng.

2g sáng, tiếng trống lại nổi lên báo hiệu giờ chánh lễ. Bên dưới bóng đèn điện tỏa ánh sáng vàng yếu ớt, trước bàn thờ đầy lễ vật và khói nhang nghi ngút, vị chủ tế thành kính đọc văn tế cầu mong “Ông” phù hộ độ trì cho dân làng khỏe mạnh, đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, ghe thuyền đầy tôm cá...

Thám hiểm ghềnh đá hiểm trở

Để tham dự buổi lễ này chúng tôi đã đến làng chài Phước Thể trước đó một ngày, thời điểm mà khoảng 500 gia đình ngư dân nhộn nhịp chuẩn bị ra Hòn Cau dự hội. Đi nhờ chiếc ghe của người địa phương, chúng tôi được sống trong không khí lễ hội cùng các ngư dân. Sau 40 phút rời cảng, vượt 4 hải lý, tàu cập bến Hòn Cau. Đập vào mắt chúng tôi là hòn đảo dài 1.500m, chỗ rộng nhất 700m, nơi cao nhất chừng 10m, có bề mặt rất bằng phẳng và phủ đầy cây cỏ dại thấp tè, có cảm giác như đứng trên một sà lan màu xanh khổng lồ nổi giữa biển. “Đảo này không có dân sinh sống, chỉ có một doanh trại lính biên phòng và hai quán bán hàng cho khách du lịch thôi”, chủ ghe nói.

Sau bữa trưa thịnh soạn với bốn món: cá giấy um, cá cơm kho tộ, mực hấp gừng và canh chua, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi trước khi bắt đầu hành trình thám hiểm quanh đảo lúc 14g30. Lộ trình khoảng 4,5km chỉ toàn ghềnh đá được hình thành bởi hàng triệu tảng đá đủ mọi hình dáng và kích cỡ. Trong đó, ghềnh đá phía nam có nhiều khối đá khổng lồ vươn cao gần 30m so với mực nước biển và có hình thù giống như một tác phẩm điêu khắc.

Chuyến thám hiểm khá vất vả khi phải băng qua tảng đá cheo leo, nghiêng mình lách qua khe đá hẹp, nhưng những người trong đoàn đều quên hết mệt nhọc bởi cảm giác thích thú trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.

Đến giữa ghềnh đá, chúng tôi phát hiện một vịnh nhỏ tuyệt đẹp với bãi cát cong và dài chừng 20m, nước trong vắt, được bao bọc bởi hai ghềnh đá vươn xa ra biển. Không ai bảo ai, nhiều người trong đoàn bắt đầu leo xuống để thả mình vào dòng nước mát lạnh của biển...

Theo Đăng Khoa (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Saturday, 3 May 2014

Nào cống là lễ hội của các đồng bào dân tộc thiểu số H'Mông, Dao, Giáy. Từ thập kỷ 50 về trước, Tả Van có một ngôi miếu thờ 3 gian. Ngôi miếu dựng ở ngay đầu cầu treo sang làng Tả Van Giáy. Ngôi miếu trở thành địa điểm tổ chức lễ “Nào Cống” của cả vùng thung lũng Mường Hoa.

Hàng năm vào ngày Thìn, tháng 6 âm lịch, các làng người Mông, người Dao, người Giáy ở Mường Hoa đều tập trung về miếu thờ làm lễ “Nào Cống”. Mỗi gia đình cử một người đại diện (có thể là chồng hoặc vợ), không phân biệt nam, nữ, già, trẻ.
Ngôi miếu thờ được người Mông gọi là “Chế đáng” (Tsêr đăngz). Miếu thờ có 3 gian, gian giữa thờ hai viên quan họ Đào, họ Nguyễn đã có công an dân và xây dựng Mường Hoa. Một gian bên trái thờ thần núi (Sơn thần), thần Suối Hoa (Long Vương), người Giáy gọi là “Sía po”, “Sía ta”, người Mong gọi là “Thủ Ti”, “Lùng Vàng”.

Một gian bên phải thờ các bà nàng vợ hai ông quan họ Đào, họ Nguyễn. Lễ Vật dân cúng là trâu đen, lợn đen và gà vịt do các làng đóng góp mua. Làng Tả Van Giáy còn có trách nhiệm chuẩn bị vàng hương, bát đĩa dâng cúng.

Lễ “Nào Cống” có 3 phần: Phần nghi lễ cúng thần, phần công bố quy ước chung cả vùng và phần ăn uống. Trước đây, người chủ lễ phải mời thầy mo người Tày của Mường Bo. Từ thập kỷ 40 – 50 của thế kỷ này, chủ lễ là thầy mo của người Giáy ở Tả Van. Thầy mo ăn mặc áo dài, quần thụng (kiêng đội mũ, khăn) trịnh trọng đọc lời cúng các thần kinh. Nội dung bài cúng là mời các thần về dự lễ, cầu mong các thần phù hộ người yên vật thịnh, được mùa. Sau lễ cúng, chức dịch Mường Hoa lên đọc quy ước chung của cả Mường...

Nội dung bản quy ước đề cập đến 4 vấn đề:

- Vấn đề trị an của các làng: không được trộm cắp, có biện pháp phòng ngừa kẻ xấu nơi khác đến trộm cắp.
- Vấn đề bảo vệ rừng: Các làng người Mông, người Dao, người Giáy, phải chú ý làm rẫy, cấm lấy củi hái măng ở khu rừng cấm thờ thổ thần và khu rừng chung đầu nguồn nước của làng...
- Vấn đề chăn dắt gia súc : Quy ước có quy định cụ thể thời gian cấm thả rông gia súc. Hàng năm từ ngày 15 tháng chuột (tháng 10 âm lịch) đến này Thìn tháng giêng (ngày mở hội xuống đồng) người dân mới được thả gia súc. Ngoài khoảng thời gian trên, cấm mọi người thả rông gia súc để tránh bị phá hoại mùa màng.

- Vấn đề ứng xử xã hội: Các quy ước của cả vùng đều đề cập đến quan hệ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, giúp gia đình có tang... đồng thời phê phán quan hệ nam nữ không lành mạnh, “Cấm kéo đàn bà, con gái vào trong núi”... Kết thúc phần đọc các quy ước, người chức dịch còn nhấn mạnh “Hôm nay, tôi nói cho mọi người biết như thế, từ đây mọi người trở về nhà phải tuân theo những lý lối này và kể cho cả nhà được biết để tuân theo”.

Khác với lễ “Nhặn sồng”, “Nào sồng”, lễ “Nào Cống” không tổ chức bàn bạc thảo luận quy ước, mọi người đến dự chỉ có trách nhiệm tuân theo quy ước do chức dịch đã phổ biến.

Kết thúc phần phổ biến quy ước, mọi người dự lễ “Nào cống” đều vui vẻ ngồi vào mâm ăn uống cộng cảm. Dân làng nào tự nấu lấy thức ăn cho làng ấy và cùng ăn với nhau ở ngoài miếu. Trong miếu, chỉ có các chức dịch (lý trưởng, phó lý, thầy mo) được ngồi ăn. Trong làng, gia đình nào không có người đến dự, người khác sẽ dành phần thức ăn mang về.

Trích từ Wikipedia
Du lịch, GO!

Wednesday, 30 April 2014

(TTO) - Kỳ nghỉ lễ kéo dài, lượng khách nghỉ lễ tăng mạnh so với mọi năm, trong đó phần lớn các tour du lịch nội địa và du lịch tự túc đều đổ về các khu du lịch biển để giải nhiệt.

Theo các công ty du lịch, lượng khách mua tour năm nay tăng 20-30% so với cùng kỳ năm trước.

Tham quan hang động Phong Nha bằng trực thăng

Sáng 27-4, chuyến bay dịch vụ đầu tiên chở du khách tham quan rừng và hang động Phong Nha bằng máy bay trực thăng do Công ty du lịch lữ hành Oxalis và cơ sở du lịch Farmstay tổ chức. Sau khi đón khách tại hang Én, bay một vòng quanh vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, máy bay trả khách tại trung tâm du lịch Phong Nha (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch).

Trước đó, vào sáng 26-4, du khách đi bộ xuyên rừng vào hang Én (thuộc hệ thống hang động Phong Nha), cắm trại và nghỉ qua đêm tại đây. Giá bay với tour nửa ngày là 3 triệu đồng/khách, tour hai ngày là 6,3 triệu đồng/khách. Mỗi chuyến bay từ 20-22 khách.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, kỳ vọng dịch vụ bay du lịch bằng trực thăng sẽ tạo điều kiện cho những người không đi bộ đường rừng được nhưng vẫn có thể khám phá hang động.

Vẫn còn tour nội địa bằng đường bộ

Các công ty du lịch dịch vụ lữ hành Saigontourist, Vietravel, Bến Thành, Fiditour... cho biết hiện vẫn còn một số tour nghỉ trong đợt lễ này, nhưng chủ yếu là các tour nội địa bằng đường bộ: Phan Thiết, Mũi Né, Nha Trang, Đà Lạt, liên tuyến Nha Trang - Đà Lạt, Phan Thiết và miền Tây khởi hành trong các ngày 29 và 30-4. Ngoài ra, các tour du lịch sang các nước Đông Nam Á không cần thị thực (visa): Campuchia (4 ngày) với số lượng gần 10 chỗ, tour Thái Lan (5 ngày) còn các ngày khởi hành 29-4, 1, 2 và 3-5, tour Singapore (4 ngày)... vẫn còn.

Theo các công ty du lịch, không chỉ tour nội địa, các tour du lịch nước ngoài đi xa trong dịp lễ này cũng tăng rất mạnh. Theo Công ty du lịch Vietravel, lượng khách mua các tour đi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đợt nghỉ lễ này tăng 150-200% so với cùng kỳ. Đại diện Bến Thành Tourist cho biết du lịch đảo Jeju (Hàn Quốc) bằng máy bay thuê nguyên chuyến (charter flight) của Hãng hàng không VietJet Air cũng đã đầy chỗ từ rất sớm vì giá chỉ bằng tour đi Đông Nam Á.

Nha Trang: khách sạn cháy phòng

Bà Phan Thanh Trúc - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa - cho biết theo thông tin tổng hợp từ các nguồn, lượng khách đến Nha Trang năm nay tăng so với cùng thời điểm này năm ngoái. Theo ghi nhận của chúng tôi, khách sạn trên các tuyến đường lớn như: Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật... đều đã hết phòng trong dịp nghỉ lễ 30-4.

Một số chủ khách sạn hai sao dọc đường Trần Phú cho biết giá thuê phòng dịp nghỉ lễ cao hơn nhiều so với giá niêm yết nhưng vẫn hết phòng, phải tới ngày 3-5 mới có phòng cho thuê trở lại.

Đà Nẵng vào mùa du lịch biển

Trong dịp lễ 30-4 và 1-5 này, TP Đà Nẵng khởi động mùa du lịch biển 2014, khai mạc lúc 16g30 ngày 30-4 (kéo dài đến ngày 5-5) tại sân khấu trung tâm công viên Biển Đông, với nhiều hoạt động hứa hẹn hấp dẫn du khách. Ngoài ra, còn có các hoạt động như đua xe đạp chinh phục bán đảo Sơn Trà; ngày hội miền biển gồm các hoạt động như: bóng chuyền bãi biển, kéo co trên biển, thi bơi thúng, đánh cá; đồng diễn flashmob bikini “Thủy triều dâng” tại bãi biển Phạm Văn Đồng; giải đua kayak “Vượt sóng Mỹ Khê lần 1”; chương trình ca nhạc “Holiday beach Đà Nẵng show” với sân khấu được lắp dựng trên bãi.

Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, các khách sạn, resort ven biển của Đà Nẵng dịp 30-4 công suất phòng đa số đạt gần 100%. Lượng khách đến Đà Nẵng dịp 30-4 này tăng 15- 20% so với cùng kỳ năm 2013.

Huế: hấp dẫn lễ hội Sóng nước Tam Giang

Ngày 26-4, tin từ phòng nghiệp vụ du lịch Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế cho biết hơn 95% số phòng của các khách sạn 2-4 sao tại Huế đã được đặt trong ngày 30-4. Những ngày còn lại, tỉ lệ đặt phòng từ 70-85%. Tuy nhiên, các khách sạn 5 sao và nhà nghỉ vẫn còn phòng trống.

Riêng khu du lịch trên núi Bạch Mã trong những ngày từ 30-4 đến 3-5 đã được đặt kín chỗ. Đặc biệt, lễ hội Sóng nước Tam Giang sẽ khai mạc lúc 20g ngày 30-4 tại bờ phá Tam Giang (huyện Quảng Điền), với những hoạt động: lễ tế, hội chợ ẩm thực, hội diều, hội đua ghe trên phá Tam Giang.

Quảng Bình: vũng Chùa - đảo Yến hút khách

Ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình, cho biết hơn 4.000 phòng nghỉ ở gần 200 khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP Đồng Hới đã được khách đăng ký hết từ ngày 28-4 đến 2-5. Riêng ngày 28-4 có 2.200 người đã đăng ký vé tàu từ Hà Nội vào Đồng Hới, chủ yếu là khách vào nghỉ mát ở biển Nhật Lệ, dự lễ kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình và tham quan hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Có rất nhiều đoàn từ 15-20 người đã không tìm được nơi nghỉ trong những ngày tới.

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay Quảng Bình có thêm một điểm đến thu hút lượng khách rất lớn là vũng Chùa - đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kiên Giang: hết vé tàu khách

Chiều 26-4, phòng vé Công ty tàu cao tốc Superdong tại Kiên Giang cho biết đến thời điểm này đã hết vé trong hai ngày lễ 30-4 và 1-5 cho cả hai chiều từ Rạch Giá đi Phú Quốc và ngược lại. Theo ghi nhận, hầu hết resort, khách sạn hạng sao và các nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại Phú Quốc, Hà Tiên đã kín chỗ đăng ký cho các ngày từ 30-4 đến 4-5. Các nhà nghỉ bình dân hầu hết cũng kín chỗ cho hai ngày cao điểm 30-4 và 1-5.

Vũng Tàu: du khách bị làm phiền sẽ được xử lý ngay

Bà Trương Thị Hường, phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết khoảng 80% khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP Vũng Tàu đã được du khách đặt kín chỗ, trong đó các khách sạn lớn có vị trí gần các bãi tắm đã hết phòng. Theo Ban quản lý các khu du lịch Côn Đảo, khoảng 60-70% số phòng tại hơn 600 khách sạn và nhà nghỉ trên địa bàn đã có khách đăng ký.

Từ giữa tháng 4-2014, UBND TP Vũng Tàu đã lập đoàn công tác đi kiểm tra, khuyến cáo đối với các khu nhà nghỉ ở Bãi Sau, các quán ăn về việc tăng giá bất thường. Ông Võ Quý Khanh, phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin TP Vũng Tàu, cho biết điện thoại đường dây nóng của đoàn kiểm tra sẽ mở trực 24/24 giờ để nhận thông tin phản ảnh, giải quyết cho du khách khi bị làm phiền.

Nhóm PV báo Tuổi Trẻ
Du lịch, GO!

Tuesday, 29 April 2014

Nhân kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao bắt đầu từ 21h đến 21h10 tối nay (30/4) tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn.

Thời gian bắn pháo hoa dự kiến kéo dài 10 phút  Theo ban tổ chức, năm nay chương trình bắn pháo hoa của TP được đầu tư nhiều hơn về số lượng pháo, và màu sắc cũng rất đa dạng hơn

Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động khác để chào mừng dịp lễ 30/4-1/5 như trang trí ánh sáng nghệ thuật trên đường Lê Duẩn, quận 1 từ ngày 25/4 đến ngày 5/5.
Trong hai ngày chính lễ 30/4 và 1/5 nhiều hoạt động nổi bật được diễn ra như: giao lưu nhân chứng lịch sử và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt.

Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM đồng loạt tổ chức các điểm diễn phục vụ cộng đồng vào hai đêm 30/4 và 1/5 tại công viên Gia Định, Trung tâm Văn hóa Q.12, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, sân banh Thời Tứ, Ngã ba Giồng…với nhiều chương trình văn nghệ tổng hợp như Những mùa xuân huyền thoại, Sài Gòn quật khởi, Điệp khúc Sài Gòn, Ngày mai anh lên đường, Huyền thoại một tình yêu, Nhánh lan rừng

Ngoài ra TP.HCM cũng tổ chức triển lãm với chủ đề "Tự hào 39 năm đất nước trọn niềm vui" ở trước Nhà hát TP và "TP HCM - thành phố tôi yêu" trên đường Đồng Khởi để trưng bày các hình ảnh về chặng đường xây dựng và phát triển TP HCM suốt 39 năm qua.

Theo Hải Yến (Vietnamnet)
Du lịch, GO!

Monday, 21 April 2014

Rubber Duck, chú vịt nhân tạo cao 18 m sẽ đến TP HCM ngày 27/4, điểm đến thứ 16 trong chương trình "Lan tỏa niềm vui cho thế giới quanh ta". 

Từ năm 2007 đến nay, chú vịt vàng này đã du hành qua các thành phố lớn của Autraslia, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Brazil, New Zealand, Pháp, Azerbaijan... Ở mỗi nơi, chú vịt đều được chào đón nồng nhiệt. Tháng 5 năm ngoái, người dân Hong Kong bất ngờ thấy chút vịt bẹp dúm vì bị xì hơi.

Chú vịt vàng được thiết kế bởi Florentijn Hofman, một nghệ nhân người Hà Lan. Cha đẻ của vịt đã đưa Rubber Duck đến trình diễn ở nhiều thành phố trên thế giới.

Các kỹ thuật viên phải mất một tháng để tạo ra chú vịt khổng lồ, đặt trên một cầu phao được chế tạo riêng rộng 15 m. Rubber Duck được bơm căng phồng bởi hệ thống quạt bên trong nối với các dòng điện chính đặt bên dưới mặt hồ.

Người dân TP HCM có thể chụp hình cùng với chú vịt khổng lồ từ ngày 27/4 đến cuối tháng 5, tại khu vực hồ Bán Nguyệt, quận 7.

Theo Vnexpress
Du lịch, GO!

Friday, 18 April 2014

(TTO) - Hằng năm, bà con ở xã An Hiệp (Châu Thành, Sóc Trăng) tổ chức  lễ cúng dừa (hội Thác Côn) kéo dài ba ngày từ ngày 15 đến 17-3 âm lịch tại chùa Ma ha sal Phat Mon của người Khmer.

< Cổng chùa Mahasal Thatmon.

Theo truyền thuyết, từ xa xưa nơi đây nổi lên một gò đất hình dạng như chiếc cồng. Chân người giẫm lên phát ra thứ tiếng âm vang như chiếc cồng, theo thời gian âm thanh nhỏ dần rồi mất hẳn. Bà con cho rằng đây là sự linh thiêng nên lập miếu thờ. Hằng năm cứ đến rằm tháng 3 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội cầu an gọi là Thác Côn, gợi lại tiếng còng chiêng âm vang từ đất, và những chiếc bình bông làm bằng trái dừa được dâng cúng.

< Dừa dâng cúng Phật.

Cũng như các lễ hội cầu an, mong mùa màng bội thu, bà con được bình yên lao động sản xuất, những vật dâng lễ cúng là những thứ hoa trái mang đậm dấu ấn tín ngưỡng. Các thứ hoa như sen tượng trưng cho sự thanh khiết, bình bông làm bằng trái dừa được vạt miệng, loại quả có nước tinh khiết, ngọt lành. Những cây bông bằng tre kết lá trầu xanh sẽ được cắm lên trái dừa. Ngoài ra luôn có miếng trầu trong lễ cúng.

Dừa đủ cở lớn nhỏ, mỗi gia đình tùy theo lời nguyện của mình mà đem theo dừa dâng cúng. Thường mỗi người đem đến một cặp dừa nhưng cũng có gia đình đem đến 7 - 8 cặp, có màu sắc khác nhau. Nhìn kỹ sẽ thấy đa số lễ vật cúng có năm thứ tượng trưng cho năm vị bồ tát, bao nhiêu lòng thành của khách hành hương như gởi gắm trong chiếc bình nhỏ bằng trái dừa.

< Bán dừa làm bình hoa.

Khách dự hội năm nay đông hơn các năm trước, những bãi giữ xe lộ thiên chật kín xe, hàng quán mọc lên kín hai bên lộ. Trước cổng chùa, lễ vật hoa trái được bày bán sầm uất, một cặp dừa cắm hoa sẵn bán giá chỉ 15.000 đồng. Năm nay bà con về dự hội đông hơn mọi năm, từ Campuchia và các tỉnh bạn như Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ… Ước tính  một đêm không dưới 10.000 người.

Đêm hội Thác Côn là đêm thức trắng, nam thanh nữ tú ba dân tộc Việt, Khmer, Hoa có dịp kết bạn, trong không khí nô nức như hội trăng rằm. Phía sau chùa là bãi đất rộng gần 5 công đất tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí thật náo nhiệt. Gánh hát dù kê phục vụ xuyên suốt. Quán nước, quán ăn phục vụ đến sáng.

< Dừa cho vào kho.

Sau ba ngày, khi những bình bông bằng dừa được chất cao như núi trong sân chùa Thác Côn, cũng là lúc bà con xã An Hiệp thực hiện nghi lễ cuối cùng, nghi lễ mang đậm phong tục tập quán nông nghiệp, gom những giống ngũ cốc đã đặt trên bệ thờ, lấy ít tro nhang từ các lư hương đặt vào chiếc mâm bạc thường chứa các vật cúng.

Chị em phụ nữ theo sau người mang chiếc mâm ra đồng, dâng cúng đất đai, ruộng vườn, cúng những vị thần bảo hộ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, no ấm. Sau đó họ rải hạt giống, rắc tro, chân nhang  lên cánh đồng, bờ ruộng. Riêng những bình bông bằng trái dừa, một số bà con xin về cho con cháu uống mong bình an mạnh khỏe, học hành thông minh.

Theo Hưng Phú (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Saturday, 12 April 2014

(DVO) - Với người Tày ở Lạng Sơn, bà then (những người làm then cúng) có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống.

Bà then có mặt trong mọi nghi lễ của người Tày, từ lễ cúng mụ sinh, lễ mừng thọ, dựng nhà, lấy vợ, gả chồng và cả khi chết…Vì vậy, bà then luôn được người Tày tôn trọng.

Người làm then được chia ra nhiều bậc khác nhau, bà then có uy tín phải là người có đủ 15 cầu then hay đã trải qua 15 bậc then. Các bậc then được chia theo số lẻ 5,7,9,13,15, mỗi lần làm lễ nâng bậc then được gọi là lễ lẩu then, hay còn gọi là “hắt lẩu then.” Ngoài ra, sau khi các bà then đã đủ 15 bậc then họ vẫn làm lễ để ôn lại 15 bậc then, đó cũng được gọi là lễ đổ rượu then. Những người làm then cho rằng sau mỗi lần làm lễ đổ rượu then, bà then sẽ có uy tín hơn trong công việc cúng then, cứu giúp được nhiều người hơn.

Thông thường bà then chưa đủ 15 bậc then thì ba năm sẽ tổ chức lễ đổ rượu then để nâng bậc một lần. Còn với bà then đã đủ 15 bậc, mỗi năm có thể ba lần làm lễ đổ rượu then vào dịp Rằm các tháng 2, 7 và 11.

Thành phần tham gia buổi lễ gồm bà then được làm lễ, người thầy của bà then có nhiệm vụ hướng dẫn cho học trò trong buổi lễ. Các bà then khác tới để phụ giúp mọi việc. Hai người phụ nữ chưa lập gia đình hoặc là góa phụ sẽ phụ giúp việc đốt nhang cho buổi lễ.

Thông thường, buổi lễ sẽ diễn ra hai ngày một đêm, trước đó bà then được làm lễ phải giữ mình thanh sạch trong nhiều ngày. Các bà then đều phải ăn chay trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ. Phần chuẩn bị cho buổi lễ khá đơn giản, gia chủ chỉ cần chuẩn bị ba mâm ngọt để cúng gồm gạo, hoa quả, năm chén rượu và hai bát hương. Một mâm chính giữa dành riêng cho bà then được làm lễ, hai mâm bên cạnh của hai người thầy bà then.

Phía bên trái, bà then để hai thúng gạo, bên trên có hai chiếc thang được làm bằng tàu chuối, một chiếc thang có che vải tượng trưng cho con đường để đón các Tướng về, thang nhỏ không che vải tượng trưng cho quá trình "nối số," tức là cúng cho những người yếu được mạnh khỏe, sống lâu hơn.

Mở đầu buổi lễ các bà then sẽ dùng lời then và đàn Tính để báo cáo thổ công, gia tiên của gia đình nội dung buổi lễ. Tiếp theo là một "chặng đường" của đội quân nhà then đi đến Tướng lĩnh, pháp sư để báo cho những đấng thần linh biết mục đích của buổi lễ. Chặng đường đội quân nhà then đi phải trải qua mười một "cửa ải," từ ải Thổ Công, Táo Quân đến Vua Ông, Pháp sư và cuối cùng là tới vua Hoàng Đức Tướng.

Dẫn đầu đội quân nhà then là người thầy của bà then, người này sẽ dùng những lời then cổ để dẫn đội then vượt qua từng "cửa ải". Dụng cụ của các bà then là cây đàn tính, chiếc quạt, thẻ âm dương và sóc nhạc tượng trưng cho một đàn ngựa đi hùng dũng.

Tới mỗi "cửa ải," sau khi xin được đi qua, các bà then sẽ phất chiếc quạt và tiếp tục đi đến các chặng tiếp theo. Qua mỗi "cửa ải" các lời then đều được thay đổi cho phù hợp với hành động của bà then, chứa đựng những giá trị nhân văn, giáo dục truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Tày. "Cửa ải" cuối cùng chính là "cửa ải" đặc sắc nhất, thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Ở "cửa ải" này gia chủ phải chuẩn bị đầy đủ lễ sống gồm gà và lợn để dâng lên vua Hoàng Đức Tướng.

Trong quá trình lễ sống, các bà then vẫn tiếp tục hát then và làm các nghi lễ như giải hạn, nối số cho những người sức khỏe yếu. Sau phần lễ sống, gia chủ chuẩn bị lễ chín gồm 5 con gà và 5 thủ lợn đã được luộc và nướng để dâng lên vua Hoàng Đức Tướng.

Lúc này, bà then sẽ hóa thân mang dáng dấp một chú hổ để nhận lễ. Các phần lộc sẽ được phân phát cho mọi người, ai nhận được càng nhiều lộc thì càng may mắn. Đây cũng là lúc kết thúc nghi lễ đổ lẩu then của người Tày. Điều đặc biệt trong nghi lễ lẩu then của người Tày là gia chủ không mời khách nhưng khách tới rất đông, người tới để trả lễ, người tới để chứng kiến nghi lễ cổ truyền.

Những người tới đều mang theo một túi gạo, túi bánh và một giá xôi màu, vừa để góp lễ vừa để nhờ bà then giải hạn cho gia đình sang một năm mới an lành. Những túi gạo được gia chủ đặt trên giá gọi là bạch hương.

Giữa buổi lễ, các bà then tiến hành nghi lễ giải hạn. Bà then cầm cây mía có buộc vải đỏ ở ngọn tượng trưng cho cây tẩy uế xin bốn phương. Sau đó, đứng dưới bạch hương, cây mía của bà then dừng lại ở túi gạo nào thì túi gạo ấy có hạn và được đánh dấu để được giải hạn. Lễ giải hạn sẽ làm lại vào sáng hôm sau để chắc chắn không có túi gạo nào và gia đình nào không được giải hạn.

Nghi lễ lẩu then của người Tày vừa đặc sắc về hình thức lại vừa chứa đựng nhiều giá trị cổ truyền. Nó duy trì một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa và là dịp gắn kết tình làng nghĩa xóm của đồng bào dân tộc Tày.

Theo Hoàng Văn Hương (báo Dân Việt)
Du lịch, GO!

Tuesday, 11 March 2014

(DTO) - Vào dịp chính lễ, tại Tây Thiên sẽ diễn ra lễ hội Đại Bảo tháp Tây Thiên; vũ hội hoa đăng sẽ được hàng trăm ni sư chùa Phù Nghì trình diễn cùng hàng ngàn ngọn nến lung linh được xếp hình Mandala tại sân trung tâm thuộc khu Danh thắng Tam Đảo - Vĩnh Phúc.

Theo thông báo mới nhất từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Lễ chính hội Tây Thiên sẽ chính thức được diễn ra từ 14-16/3 (tức14-16/2 âm lịch) tại thôn Đền Thỏng, xã Đại Đình, Tam Đảo - Vĩnh Phúc

Tây Thiên là nơi thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, người được Hùng Chiêu Vương thứ 7 lập làm Chính Vương Phi, có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc.

Theo thông lệ, cứ vào dịp Rằm tháng hai âm lịch hàng năm, hàng vạn du khách, phật tử thập phương tìm về Tây Thiên để hoà mình cùng đồng bào người dân tộc Sán Dìu, nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc để tham dự vào các nghi lễ, các hoạt động văn hoá tâm linh truyền thống tại địa phương.

Và rồi, hoà trong sắc cờ, tiếng trống chiêng rộn ràng nơi quê hương Mẫu mẹ Tây Thiên, người dân thành kính sẽ dâng lên Quốc Mẫu ném hương để bày tỏ tấm lòng thành kính, nhằm khẳng định truyền thống tốt đẹp và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày với các nghi thức lễ tế mang đậm nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Đáng chú ý, tại Lễ hội Tây Thiên, thường niên vẫn diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: cuộc thi làm bánh chưng, bánh dày, thi nấu cơm, thi hát dân ca của người dân tộc thiểu số Sán Dìu, thi kéo co, chọi gà...

Về phần nghi thức, Lễ hội Tây Thiên mang những nét độc đáo riêng như: Lễ Cáo, lễ tạ, lễ rước và lễ dâng hương. Lễ vật không thể thiếu khi dâng Mẫu mang đậm nét riêng của núi rừng Tây Thiên đó là: hoa quả, một mâm xôi, oản, gạo, trứng, một con lợn quay và hoa huệ trắng

Theo đó, Lễ rước sẽ có 3 đoàn là Kiệu văn đền Mấu Sinh, kiệu Văn đền Mẫu Hóa và kiệu Bát cống đền Ngò, đoàn rước gồm trên 100 người dân địa phương rước từ Đền Mẫu Sinh đến đền Thõng dài khoảng 4.000 m.

Nghi thức lễ tế rất trang trọng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc như: Rước kiệu, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả truyền thuyết Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất giang sơn.

Nét đặc biệt của lễ hội Tây Thiên là các làn điệu soọng cô, hát chầu văn của nam thanh, nữ tú dân tộc Sán Dìu. Những lời ca, tiếng hát hòa cùng nhạc cụ truyền thống thể hiện sinh động đời sống tinh thần của nhân dân, ca ngợi công lao Quốc Mẫu Tây Thiên.

Theo Trà My (Dân Trí)
Du lịch, GO!

Tuesday, 4 March 2014

(Vnexpress) - Lễ hội Tây Thiên, Chử Đồng Tử - Tiên Dung hay kén rể chỉ là ba trong số hàng chục lễ hội đặc sắc và độc đáo sẽ được tổ chức vào tháng 3 này.
Dù đã hết "tháng ăn chơi" nhưng bạn vẫn có thể hòa vào không khí vui tươi, rạo rực của các lễ hội tháng 2 âm lịch (tức tháng 3 dương) dưới đây.

Hội đền Vua Bà, Bắc Ninh

Đây là lễ hội lớn nhất của thôn Viêm Xá (tức làng Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), nhằm thể hiện sự tri ân, biết ơn với Đức Vua Bà – người đã khai sinh ra làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đền Vua Bà năm nay khai hội vào ngày 6/3 (tức 6/2 âm lịch), bắt đầu bằng màn trống hội tưng bừng, nghi thức chạy cờ... và diễn lại tích “ Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân”. Tại lễ hội cũng diễn ra các hình thức hát quan họ: dưới thuyền Rồng, trong Đền Vua Bà, Đền Cùng, trên sân khấu trung tâm lễ hội, trong các gia đình…

Hội Tây Thiên, Vĩnh Phúc

Thiền viện Tây Thiên là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Với danh xưng đất Phật và đất Mẫu, lại được bao bọc bởi thiên nhiên, mây trời hùng vĩ, Thiền viện quanh năm thu hút du khách đến hành hương, vãn cảnh.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn được hòa mình vào không khí lễ hội của Thiền viện Tây Thiên hãy đến đây vào rằm tháng 2 âm lịch, tức 15/3. Đặc biệt, trong mùa lễ hội năm nay, tại đây còn diễn ra các chương trình hầu đồng để phục vụ du khách.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Hưng Yên

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội tình yêu) diễn ra vào ngày 10-12/2 âm lịch hàng năm ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa (xã Dạ Trạch), huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Tại lễ hội sẽ có các sinh hoạt văn hóa đặc sắc như: lễ rước nước trên sông Hồng; các trò chơi dân gian trong phần hội như bịt mắt bắt dê, đu cây...

Hội làng Bát Tràng, Hà Nội

Được tổ chức ngày 14-16/2 âm lịch tức (14-16/3), lễ hội làng Bát Tràng là dịp tôn vinh nghề gốm truyền thống và dâng lễ lên các vị Thành hoàng làng cầu xin ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Đến với làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm những ngày này, du khách sẽ được chứng kiến các nghi lễ cúng tế trang trọng và tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn như đánh cờ tướng, cờ người, kéo co, chọi gà, bịt mắt đập niêu,… biểu diễn văn nghệ tại đình. Cũng tại đây, du khách sẽ có cơ hội thưởng lãm và mua sắm các sản phẩm gốm của Bát Tràng.

Lễ hội kén rể, Hà Nội

Lễ hội kén rể làng Đường Yên là một trong những lễ hội dân gian độc đáo của huyện Đông Anh, Hà Nội. Được tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch (tức 2/3), lễ hội là dịp để tưởng nhớ ngày sinh của bà Lê Hoa, một nữ tướng của Hai Bà Trưng, và sự kiện bà kén người tài làm chồng sau khi thắng giặc về làng. Ngoài phần lễ, phần hội kén rể có nhiều phần chơi như: múa rối, phỗng ngồi, thi cày, thi câu ếch, thi chõng chó, thi bắt trạch... rất độc đáo và thu hút du khách tham gia.

Lễ hội Quán Thế Âm, Đà Nẵng

Lễ hội năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, 17-19/3 (tức 17-19/2 âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Đây là dịp để khơi dậy truyền thống lịch sử, cội nguồn dân tộc, tinh thần đấu tranh quật cường dựng nước, giữ nước của dân tộc cũng như lòng từ bi hỷ xả, hướng thiện. Đến với lễ hội, du khách còn được tham gia hội hoa đăng, đua thuyền truyền thống, triển lãm thư pháp, chơi hô hát Bài Chòi và xem các màn biểu diễn võ thuật truyền thống.

Lễ hội Bà Thu Bồn, Quảng Nam

Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 12/2 âm lịch tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam để tỏ lòng thành kính, biết ơn sự che chở của bà Thu Bồn, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam). Ngoài phần tế lễ còn có đua thuyền, thả hoa đăng và hát bội... khiến con sông Thu Bồn như cuộn sóng bởi tiếng hò reo của người xem từ hai bên bờ.

Lễ hội làng Rèn, Bình Định

Để nhớ ơn người khai sinh làng Rèn, cứ đến ngày 12/2 âm lịch, người Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) lại tổ chức lễ hội để quy tụ những thợ rèn ở địa phương và các vùng lân cận. Sau lễ cúng tổ và khấn nguyện quốc thái dân an là các hoạt động văn hóa sôi nổi như hát bộ truyền thống, trò chơi dân gian (kéo co, đập ấm...)

Hội miếu ông Địa, TP HCM

Đây là lễ hội tiêu biểu cho các lễ hội miếu ở TP HCM và Nam Bộ với các nghi thức: “gióng trống khai trang” thông báo vào lễ, “mời trầu” bằng điệu hát bóng rỗi để thỉnh thần về dự lễ, diễn tuồng hài “Địa Nàng” với nhân vật ông Địa và nàng tiên mang nội dung phê phán thói hư tật xấu trong xã hội hương thôn xưa. Năm nay, lễ hội được tổ chức vào ngày 3/2 (tức 2/2 âm lịch) tại 125 đường Lê Lợi, phường 3, quận Gò Vấp.

Lễ hội Nghinh Cô, Bà Rịa Vũng Tàu

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân ven biển Nam Bộ với sự kết hợp độc đáo của lễ hội Cầu ngư, tục thờ cúng Thần Biển và tín ngưỡng thờ mẫu của người dân địa phương. Lễ hội năm nay diễn ra vào ngày 10-12/3 (tức 10-12/2 âm lịch) tại đền Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm hiếm thấy tại lễ hội Nghinh Cô so với các lễ hội ở đây là du khách sẽ được chứng kiến lễ phóng sinh. Thi thuyền thúng, bắt cá, bắt lươn cũng làm cho lễ hội thêm phần sôi nổi và náo nhiệt.

Theo Vy An (Vnexpress)
Du lịch, GO!

Lịch sử đăng bài

Powered by Blogger.

Bài đăng mới

Thích thì click!^^

Bải đăng phổ biến