(PNO) - Vượt gần 200 km từ Hà Nội, chúng tôi đến Mộc Châu vào những ngày đầu đông. Trời se lạnh, gió hiu hiu và những lớp sương mù bảng lảng, khiến cảnh sắc nơi đây khi mờ khi tỏ, lúc ẩn lúc hiện, đẹp kỳ lạ.
< Khu du lịch Hồ - Rừng thông.
Với những cảnh quan kỳ vĩ làm say lòng du khách bốn phương, cao nguyên Mộc Châu được đánh giá là rộng và đẹp nhất vùng núi phía Bắc Việt Nam. Dù mùa đông, nhưng Mộc Châu vẫn mênh mang màu xanh: xanh thẳm của bầu trời, xanh biếc của cây lá, xanh lục của núi đồi, xanh ngắt của những cánh đồng hoa cỏ...
Những vườn đào, vườn mận tuy không rạng rỡ kiêu sa như mùa xuân nhưng vẫn giữ được màu xanh dịu dàng của những ngọn lá.
Những bãi cỏ ken dày trên mặt đất, tạo thành những tấm thảm xanh bạt ngàn. Những trảng hoa dại li ti dủ sắc màu: vàng, trắng, đỏ, tím, hồng…trải dài tít tắp, thấp thoáng trong sương. Và, xanh nhất là những đồi chè miên man đến như vô tận. Thi thoảng, trên những sườn đồi, những đàn bò, đàn trâu đang nhẩn nha gặm cỏ…
< Thác Dải Yếm.
Song, nếu cảnh sắc nơi này chỉ có thế thì lượng du khách đã không kéo đến Mộc Châu ngày càng tăng như thế.
Điểm tham quan đầu tiên của Mộc Châu mà chúng tôi lựa chọn là Bản Áng, với những ngôi nhà sàn truyền thống ẩn hiện bên những tán cây xanh tươi, dòng suối uốn lượn. Tại đây, sau khi tận mắt chiêm ngưỡng các cô gái Thái xinh đẹp đang dệt những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, chúng tôi lựa chọn những món quà lưu niệm như khăn piêu, áo cóm, túi xách, rèm cửa, khăn trải bàn …Tất cả đều có hoa văn tinh tế và đa dạng.
< Đường lên Hang Dơi.
Ngay cạnh bản Áng là khu du lịch Hồ - Rừng thông, nơi sương mù khóac lên mặt hồ tĩnh lặng một lớp voan xám nhạt, lung linh huyền ảo. Khi mặt trời lên, những tia nắng biến sắc nước trong hồ thành màu xanh ngọc rực rỡ. Thấp thóang trong rừng thông là những ngôi nhà sàn mộc mạc nhưng trữ tình và thơ mộng.
Cách thị trấn Mộc Châu 5km, thác Dải Yếm khởi nguồn từ 2 khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu. Tên của thác bắt nguồn từ truyền thuyết dòng thác là dải yếm của người con gái cứu chàng trai thoát khỏi dòng nước lũ. Với chiều cao khoảng 100m, thác chia làm hai nhánh: một bên 9 tầng (như “chín bậc tình yêu” trong truyền thuyết), bên kia 5 tầng, cách nhau khoảng 200 m. Đang mùa nước nên toàn bộ mặt thác rộng 70m là một màn nước trắng xóa, lấp lánh dưới ánh mặt trời, đẹp kỳ lạ.
Nằm trên địa bàn thị trấn Mộc Châu, động Sơn Mộc Hương, còn gọi là Hang Dơi, được mệnh danh là "Tây thiên đệ nhất động". Leo 240 bậc đá từ chân núi, bước qua cửa hang có hình dáng như miệng một con rồng khổng lồ, cảnh sắc tuyệt đẹp trong hang hiện ra trước mắt mọi người. Nhà điêu khắc thiên nhiên đã tạo ra những công trình kiến trúc và mỹ thuật tuyệt vời từ nhũ đá, với những nét trạm trổ phóng khoáng, tài hoa, tinh xảo và sống động. Đó là những dải nhũ thạch lấp lánh 7 sắc cầu vồng, những lòai động vật (voi, sư tử, cầy bay, hổ, báo, kì đà…), thực vật (đụn thóc, cây đồng tiền, măng đá, mâm ngũ quả…). Tại đây còn có cả cảnh mẹ bồng con lẫn các ông tiên, cô tiên…
< Buồng Công Chúa.
Vào sâu bên trong, chúng tôi đến “Buồng Công chúa”. Đó là một cung điện lỗng lẫy, nguy nga với những dải thạch nhũ lấp lánh nhiều màu sắc, được ngăn cách với bên ngòai bằng một bức mành đá. Hàng ngàn năm qua, “công chúa”, trong dáng hình một bức nhũ đá, vẫn cần mẫn ngồi quay sợi trước cửa hang.
Giữa lòng hang có một hồ cạn rộng khoảng 200 m2, giữa hồ là con rùa đá, bên trái là hình một đôi trái gái bằng thạch nhũ. Theo truyền thuyết, ngày xưa, hoàng tử con vua Thủy tề yêu say đắm một nàng công chúa nên thường cưỡi rùa lên trần gặp công chúa. Biết chuyện, vua Thuỷ tề ra lệnh rút hết nước, không còn đường về, hoàng tử đã ở lại trần gian bên người yêu rồi biến thành đá để chứng minh cho tình yêu bất tử…
Theo Giao Thủy (Báo Phụ Nữ)
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment