Nằm dọc ven sông Ba Lai thuộc địa phận hai xã Mỹ Hòa và Tân Xuân, huyện Ba Tri cách thành phố Bến Tre chừng 52km, sân chim Vàm Hồ là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn được hình thành từ tháng 5-1986 do đàn chim trước ở Cù lao Đất, xã An hiệp, huyện Ba Tri di cư tới.
Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn với diện tích hơn 40ha trong đó có 15ha rừng chà là nguyên sinh, ngoài ra còn có hơn 7ha đước cạnh rừng chà là do người dân Ba Tri trồng. Để đề phòng cháy rừng, nơi đây đã được chia làm 5 khu, đắp đê phòng hộ chung quanh và dẫn nước từ sông Ba Lai vào. Đây là nơi trú ngụ của cò, vạc... và các loài chim thú hoang dại khác cùng với rừng chà là và thảm thực vật phong phú.
Thảm thực vật Vàm Hồ có dừa nước, chà là, đước, mắm ở tầng cao rất lý tưởng cho các loài chim cư trú, còn ở tầng thấp gồm các loại cây chiếm ưu thế như đước đôi, bụp tra, ô rô, cóc kèn, rau muống biển, lau sậy… rất thuận tiện cho cò, vạc làm tổ sinh sản. Theo ghi nhận của các nhà chuyên môn, đàn chim nơi đây gồm 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ với gần nửa triệu cư dân gồm các loài cò, vạc, cồng cộc, diệc xám, quắm trắng, le le… cùng nhiều loại thú hoang như trăn, rắn, sóc, chồn, dơi, kỳ đà… Vào khoảng tháng Tư, chim ở các nơi bắt đầu tụ tập về đây sinh sản, có thể nhìn rõ trên các ngọn đước nặng trĩu những tổ chim, qua đến tháng Tám chúng lại thiên di đi nơi khác.
So với những năm trước, hiện đàn chim có mức độ tăng trưởng 1,5 lần đưa tổng lượng đàn chim lên đến 700.000 cá thể, ước tính 15 chim trên mỗi m², sân chim Vàm Hồ có nguy cơ không còn chỗ cho chim trong vài năm tới. Năm 2009, trong nỗ lực giữ đất lành cho chim đậu, tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án bảo tồn sân chim và mở rộng trồng mới 228.749m² rừng chà là gai, tràm bông vàng, dừa nước, đước… ở khu vực I thuộc xã Tân Mỹ, giáp với sông Ba Lai và cách sân chim hiện hữu không xa, nâng diện tích khu bảo tồn sân chim lên hơn 67ha. Huyện Ba Tri cũng có chủ trương sẽ cho đầu tư khai thác du lịch nhưng có quy hoạch từng khu vực để không ảnh hưởng đến môi trường trong lành và yên tĩnh của đàn chim.
Để đến sân chim Vàm Hồ, du khách có thể đi đường bộ từ thành phố Bến Tre theo tỉnh lộ 885 đến thị trấn Ba Tri rồi rẽ vào ngã Tân Xuân, hoặc theo đường sông về phía sông Ba Lai. Đường vào sân chim càng thú vị khi hai bên bờ sông Ba Lai là cả một màu xanh bất tận với các loại cây ổi, mãng cầu xiêm, so đủa, đậu ván, dừa nước… Tham quan nơi đây, du khách có cái thú đi dạo đường rừng hay bơi thuyền len lỏi trong rừng ngập mặn, ghé thăm khu căn cứ kháng chiến xưa, tìm chút cảm giác lạ khi băng qua những chiếc cầu tre lắt lẻo hoặc ngả lưng thoải mái trên những chiếc võng đung đưa dưới những tán lá rừng, đón ngọn gió mát lành từ dòng sông Ba Lai thổi về.
Đến Vàm Hồ vào đúng thời điểm các loài chim “giao ca” đi kiếm mồi, du khách sẽ được sống trong cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú, tưởng chừng mình đang đứng ở sân chim Bạc Liêu nổi tiếng của rừng U Minh Hạ. Cứ vào khoảng 4 – 5 giờ chiều, du khách mới thật sự hào hứng khi xa xa về phía Tây, xuất hiện những chấm nhỏ li ti chuyển động và rõ dần, đó là những cánh cò đang vỗ cánh bay qua dòng sông Ba Lai trước khi đáp xuống thảm rừng chà là xanh biếc. Cả một khu rừng yên tĩnh bỗng trở nên huyên náo do tiếng kêu chíu chít của bầy chim con đói mồi hòa cùng tiếng oang oác của những chú cò bực bội do bị quấy rầy… Khi trời vừa sẫm tối và nhà cò cũng đã về đầy đủ đậu trắng các ngọn cây, cũng là lúc họ hàng nhà vạc lại chộn rộn gọi nhau đi ăn đêm, làm thành một hoạt cảnh “giao ca” rất sinh động và kỳ thú…
Ở Vàm Hồ, ngoài vũ điệu ngoạn mục của hàng ngàn cánh cò, cánh vạc, ngôn ngữ cũng có âm điệu đặc trưng của các loài chim hoang dã khác kết hợp với cây lá xào xạc như tiếng con chim cuốc gọi đàn giữa đêm hè tĩnh mịch, tiếng bìm bịp kêu như một điệp khúc gọi con nước lớn, tiếng chim vịt kêu chiều chiều và nhiều loài chim nhỏ sống trong các lùm cây gần vực nước như cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, chàng nghịch, bìm bịp, thằng chài, chẽo chẹt, bông lau, chèo bẻo đuôi cò, chim vịt…
Tới thăm sân chim Vàm Hồ, du khách được đi dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, tham quan khu căn cứ kháng chiến, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngả lưng trên chiếc võng đung đưa dưới tán lá rừng, hít thở không khí trong lành của dòng sông Ba Lai.
Tổng hợp từ internet
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment