Từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, vượt Tỉnh lộ 10 nối sang nhánh Tây tại ngã ba Tăng Ký, tiếp tục xuôi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 20km nữa sẽ tới làng Ho thuộc xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình).
< Làng Ho nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, bên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, giáp biên giới Việt - Lào.
Thời chiến tranh, hàng triệu người lính vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, địa danh Làng Ho gợi nhớ nhiều kỷ niệm, bởi đó là nơi xuất phát một hành trình lịch sử. Về Làng Ho hôm nay cùng các cựu chiến binh, có nhiều câu chuyện đáng kể thêm.
Tìm ra người Rục
Đại úy Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Phó, Đồn Biên phòng Làng Ho, cho biết: Trong biên niên sử của đồn, mấy chục năm trước, trong một phiên tuần tra, trinh sát Nguyễn Cương khi đến khu vực Trườn - Roòng đã phát hiện một nhóm người lạ không mặc quần áo, tóc dài.
Khi thấy lính biên phòng, nhóm người hú chạy tán loạn vào rừng. Sau gần 3 tháng đối diện với sốt rét, muỗi cắn, sên, vắt, thú dữ, đường trơn, lèn dốc… truy tìm, các trinh sát phát hiện họ đang ngồi bên bếp lửa, ai nấy đều dùng vỏ cây che thân.
Đồng chí Cương ra hiệu cho tổ dừng lại, bí mật tiếp cận lán, nhưng do thiếu nhẹ nhàng nên bị họ phát hiện và lại chạy vào rừng, để lại bếp lửa đang cháy với 1 con chồn còn nướng dở. Năm ngày sau, thêm 5 đồng chí được đồn chi viện và 1 già bản người dân tộc Mày đến hợp lực. Gần 2 tháng sau, họ phát hiện được chỗ trú ngụ của nhóm người lạ trong một hang sâu, rộng.
Rút kinh nghiệm các lần trước, lực lượng biên phòng bố trí nhiều tổ tiếp cận các cửa hang, còn đồng chí Cương và già bản dùng dây đột nhập vào hang. Sự xuất hiện bất ngờ của đồng chí Cương và già bản làm số người trong hang giật mình. Nhờ có già bản, anh em mới tiếp xúc được họ và thuyết phục bà con mặc quần áo, về sống chung với cộng đồng người dân tộc Mày, Chứt ở ngoài bìa rừng.
Theo lời các chiến sĩ biên phòng, khi mới về, bà con vẫn quen lấy củ, quả rừng để ăn và hay vào hang đá ngủ khi… trời nóng. Khi ấy, Đồn Làng Ho là 1 trong 5 đồn công an nhân dân vũ trang đứng chân trên biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình với tên gọi Đồn Oóc Sách. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị toàn địa bàn xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào trên 15km. Địa bàn đồn quản lý là rừng già, núi đá vôi, có nhiều hang động, địa hình núi dựng đứng, phức tạp.
Làng Ho hình thành
Năm 1962, khi tình hình ở địa bàn ổn định, Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân Vũ trang giải thể đồn Oóc Sách và chuyển vào bản Làng Ho thuộc xã Đình Phùng, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình với tên gọi Đồn 119 (tháng 7-1987, đổi tên thành đồn 601 và hiện nay đổi tên thành đồn Làng Ho). Thiếu tá Nguyễn Minh Hợp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Ho, khái quát lịch sử: “Ngoài đường bộ, tháng 8-1969, Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn xây dựng tuyến đường ống thép dẫn dầu dọc các trục đường 10, 16, 18, 24, 9. Làng Ho còn là nơi cấp phát súng, đạn, quân trang, lương thực, thực phẩm cho bộ đội trước khi vào Nam”.
< Nhà văn hoá làng Ho mới được xây dựng.
Các cựu chiến binh cùng đoàn công tác của Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP không còn ai nhận ra địa điểm từng là nơi mình và đồng đội xuất phát vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Địa danh Làng Ho ngày xưa giờ thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, giáp ranh huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet của nước bạn Lào và thuộc vùng địa lý Tây Trường Sơn.
< Từ khi có hệ thống lọc và bể nước sạch, dân làng Ho không còn phải ăn nước suối nữa.
Nép mình bên dòng suối nhỏ, ít ai ngờ rằng chỉ cách đây một vài năm, làng Ho vẫn còn là những túp nhà mái gianh, vách nứa lụp xụp, cuộc sống tự cung tự cấp tưởng như bị bỏ quên giữa đại ngàn Trường Sơn. Đường Hồ Chí Minh rồi đường nhánh Tây mở ra đã giúp bà con gần hơn với văn minh.
Năm 2013, Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” đã thay đổi hoàn toàn diện mạo làng Ho theo tiêu chí nông thôn mới. 33 nếp nhà sàn dựng bằng gỗ mới nằm san sát nhau bên những con đường bê tông.
< Nhiều năm trước đây đi lại khó khăn, người dân chỉ có thể gùi hàng đi bộ xuyên rừng ra trung tâm xã. Nay đường làng đã bê tông hoá…
Mỗi ngôi nhà đều có hàng rào cây xanh tinh tươm, heo gà không còn thả rông và đường vào được tráng bê tông phẳng lỳ. Theo đồn trưởng Hợp, cán bộ chiến sỹ Đồn Làng Ho còn bỏ thêm trên 3.000 ngày công dựng nhà giúp dân. Nhà văn hoá được xây bên cạnh trạm kết hợp quân dân y, đối diện đó là ngôi trường khang trang đảm bảo con em trong bản được học hành.
“Khuyến nông quân hàm xanh”
Để ổn định cuộc sống cho bà con các dân tộc, Ban chỉ huy đồn Làng Ho đã xin ý kiến cấp trên đưa nước về. Suốt 1 tháng liền giữa năm 2009, đích thân Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã về Làng Ho chỉ huy thông súc 120m ống dẫn nước, kênh mương. Các “cán bộ khuyến nông quân hàm xanh” còn chia nhau phát quang, cuốc dọn được 16.000m² đất ruộng. Họ còn liên hệ với Hạt Quản lý Giao thông gần đấy xin xe múc mở đường từ suối đưa nước về ruộng.
Như những kỹ sư nông nghiệp thực thụ, các chiến sĩ biên phòng phơi trần cày ải, cuốc đất, bón vôi rửa phèn để… bà con học theo. Đại úy Hoàn kể: “Vụ hè thu năm 2009, đạt sản lượng 4,1 tấn/ha, thật bất ngờ. Và vui vì bà con biết làm ruộng theo hướng dẫn”.
Sau “chiến công” đầu tay, để làm nông lâu dài, Đồn Làng Ho xác định phải đầu tư đập nước để chủ động tưới tiêu. Để có cát, đá xây dựng, đồn (thời điểm đó) phải huy động toàn quân số ra suối đào, mà phải hơn 2 tuần mới đủ số lượng cát. Sau khi chuẩn bị và tập kết đầy đủ các loại vật liệu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cử 3 đồng chí cán bộ kỹ thuật đến chỉ đạo đổ bê tông đập nước.
Sau 2 tuần lễ, đơn vị tiến hành tháo dỡ ván cốp pha và đóng van thử, nhưng khi nước dâng lên thì thân đập có hiện tượng rò rỉ. Họ phải xử lý, gia cố đảm bảo chắc chắn lại.
Vụ đông xuân 2009 - 2010, trên diện tích 2ha ruộng, cán bộ đơn vị và bà con thu hoạch với năng suất 4,3 tấn/ha, bà con vô cùng phấn khởi. Sau đó, Đồn Làng Ho họp dân để chuyển giao kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc lúa, hoa màu cho dân bản. Ngày mới ở Làng Ho giờ đây tràn ngập nụ cười. Người Làng Ho ơn Đảng, thế hệ hôm nay biết ơn làng!
Theo Dân Việt, Sàigòn Giải Phóng
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment