Monday, 31 March 2014

Cổng tam quan được xem là bộ mặt của một ngôi chùa, bởi tam quan là cổng chính của tự viện. Chư Tăng, tín đồ và du khách ra vào tự viện đều phải qua cổng tam quan này.

Do vậy cổng tam quan có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến đời sống tâm linh của các hành giả trong chùa và khách thập phương tín thí đến chùa lễ Phật.

Tam quan được xem như cửa ải giữa hai thế giới thánh phàm, tịnh nhiễm nhằm thanh lọc và bảo hộ tâm hồn của hành giả mỗi khi ra vào. Bởi vậy, người ta thường gọi cổng tam quan của nhà chùa là cửa Phật, cửa Tam bảo, cửa Thiền, cửa Từ bi, cửa Giải thoát (Tam giải thoát môn)...

Do vậy, trong bố cục kiến trúc tổng thể của một ngôi chùa xưa, chư Tổ thường đặc biệt quan tâm đến hạng mục kiến trúc cổng tam quan. Mỗi chiếc cổng tam quan xưa đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa con người, cảnh vật và giáo lý giải thoát của nhà Phật để xây dựng nên nhằm giúp cho người bước vào luôn có cảm giác gần gũi, gạt bỏ ra ngoài những thị phi phiền muộn của thế gian ô trược, dọn lòng thanh tịnh trước khi vào lễ Phật bái tổ.

Điển hình như một số cổng tam quan cổ rất đẹp còn được bảo lưu nguyên vẹn ở Huế mà mỗi lần bước chân vào người ta đều có cảm giác như đi vào “cửa thiền”.

Đó là cổng tam quan chùa Báo Quốc, chùa Từ Hiếu, chùa Diệu Viên và cổng tam quan quốc tự Thiên Mụ, quốc tự Diệu Đế, quốc tự Thánh Duyên... Những chiếc tam quan của các chùa trên đều rất cổ, hầu hết được xây dựng từ thời các vua chúa nhà Nguyễn. Nét rêu phong trên những đường nét kiến trúc cổ kính đã đem lại cảm giác an lạc cho mọi người ngay từ khi bước chân vào cổng chùa.

Kích thước chung mỗi kiến trúc tam quan cổ có chiều cao khoảng 7 đến 10m, chiều ngang khoảng hơn 8m, bề dày khoảng từ 2 đến 3m. Với kích thước như thế cổng tam quan còn có một chức năng tránh mưa nắng cho khách qua đường, đồng thời mỗi khi bước chân qua vòm cổng dày khoảng 2 đến 3m thấp lè tè có cảm giác như cạ ngang đầu làm cho mọi người có dịp cúi xuống để nhìn lại mình.

Cổng tam quan chùa Từ Hiếu, một kiểu tam quan xây dựng theo dạng thức cuốn vòm thượng lâu hạ cổng. Phần trên “lầu” dùng để tôn trí tượng Hộ Pháp, hai bên có hai lầu giả tô vẽ cảnh đẹp núi sông xứ Huế. Phần dưới có 3 vòm (tam quan) tượng trưng cho Tam bảo. Bước chân vào chiếc cổng tam quan này chúng ta liền thấy tâm hồn thanh thản.

Cổng tam quan chùa Báo Quốc lại rất đồ sộ và cổ kính được xây bằng gạch có chiều cao 7,01m, chiều ngang 9,895m, chiều dày 2,54m, gồm 3 tầng tượng trưng cho Tam bảo mà không có phần lầu để thờ tượng Hộ Pháp. Tuy nhiên với kích thước cũng như cách trang trí chữ Hán và đường nét cổ kính, chiếc cổng cũng làm cho người ta có cảm giác nhẹ nhàng và thanh thoát khi bước vào.

Đặc biệt, cổng tam quan Thanh Trúc của chùa Diệu Viên lại được xây dựng theo lối cổng-động rất đặc trưng. Phía dưới chỉ một vòm cổng dẫn sâu hút vào chùa bằng một lối đi, phía trên là động Quán Âm, chất liệu gạch và vôi vữa nhưng bên ngoài dán đá để tạo ra một loại cổng hình hang động rất ấn tượng.

Riêng tam quan của các ngôi quốc tự như Thiên Mụ, Diệu Đế, Thánh Duyên lại có một nét kiến trúc riêng có phần ảnh hưởng của lối kiến trúc cổng kinh thành Huế. Phần trên được kiến trúc theo kiểu vọng lâu dạng như nhà bia, bên dưới có 3 lối đi vào thiết kế theo hình khối vuông hay hình vòm. Phần mái vọng lâu của các cổng tam quan trên thường được lợp bằng ngói ống vàng hoặc xanh lưu li. Các bờ nóc, bờ quyết trang trí hình giao long cách điệu. Chính giữa thuyền nóc trang trí hình rồng chầu bánh xe pháp luân.

Trên thân mỗi chiếc cổng tam quan được trang trí nhiều câu đối bằng chữ Hán nói lên lịch sử và cảnh đẹp của ngôi chùa cũng như những triết lý của nhà Phật cùng hoa văn rồng cuộn và hoa lá cành ghép bằng mẻ sành rất tinh xảo.

Sự kết hợp hài hòa giữa cổng vòm, vọng lâu với những đường nét trang trí cửa vuông tròn, nét tinh tế uốn lượn của bờ nóc, bờ quyết cũng như cách tôn trí các tượng Hộ Pháp... làm cho các cổng tam quan các chùa Từ Hiếu, Báo Quốc, Diệu Viên, Thiên Mụ, Diệu Đế, Thánh Duyên vừa trông rất uy nghi, chắc khỏe vừa đem lại cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng cho hành giả cũng như thập phương tín thí và du khách mỗi khi vãn cảnh chùa.

Với lối kiến trúc đặc trưng của cổng tam quan các ngôi cổ tự ở Huế, ngoài những giá trị nghệ thuật còn là một bài pháp trực quan rất có ý nghĩa để khi hành giả bước chân vào chốn già lam lòng trở nên thư thái, nhẹ nhàng và thanh tịnh.

Theo Hue.vnn.vn
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment

Lịch sử đăng bài

Powered by Blogger.

Bài đăng mới

Thích thì click!^^

Bải đăng phổ biến