Lịch sử khai khẩn đất phương Nam diễn ra trong khoảng 300 năm, sau ngót 100 năm đó thì con cháu Lạc Long Quân mới lang bạt kỳ hồ đến đất ngập nước Cà Mau, nơi ở của "Hà Bá", mang theo nỗi mặc cảm văn hoá "trọng Sơn khinh Thuỷ - Sơn thần thuỷ tặc".
< Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu ở đảo Phú Quốc.
Và kỳ lạ thay, nét văn hoá ứng xử dẻo mềm của người Việt khi lạc đến vùng đất này lập tức thay đổi: thuỷ tặc trở thành thuỷ thần, được cung thỉnh phụng thờ thành một biểu tượng của sự sống nơi miền đất hứa: Thuỷ Long Cung Thần Nữ.
Tâm thức văn hoá thờ Mẫu của người Việt cổ xưa khi đến vùng đất mới chẳng những không phai lạt, mà trái lại còn thêm đậm đà với cách đặt địa danh miền sông nước.
Cái Nước, Cái Tàu, Cái Bát, Cái Bẹ, Cái Cám, Cái Chim, Cái Chồn, Cái Đôi, Cái Giếng, Cái Giữa, Cái Hàng, Cái Keo, Cái Lân, Cái Môi, Cái Ngay, Cái Nhám, Cái Nhúc, Cái Nhum, Cái Rắn, Cái Rô, Cái Sắn, Cái Xu, Cái Xép...
Có lẽ không ở đâu có tên sông, rạch được gọi là "cái" dầy đặc như Cà Mau. "Cái" hàm nghĩa: mẹ, to lớn, sinh nguồn (còn đó ca dao: Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra).
< Thờ bà Chúa xứ Thủy Tề ở Bạc Liêu.
Sông có thuỷ triều ngày 2 buổi lớn, ròng, còn vùng trũng đọng nước yên lắng gọi là "đầm". Đầm Bà Tường, Đầm Dơi, Đầm Chim, Vàm Đầm... là những công trình của tự nhiên. Còn khi có bàn tay của con người đào đắp cho ra những công trình "đìa". Đìa Bèo, Đìa Bông, Đìa Chuối, Đìa Đế, Đìa Đôi, Đìa Gòn, Đìa Gừa, Đìa Sậy, Đìa Cò, Đìa Việt, Đìa Ba Xuyên...
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, đầm đìa có nghĩa là ngâm mình trong nước ướt sũng suốt ngày. Cả một quá trình lịch sử gian khổ của lớp người đi khai khẩn hiện hữu mãi trong hai chữ "đầm" và "đìa" xứ này.
Tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, nơi cách đây gần 200 năm có hai vị cố tổ Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành từ miền Trung xa xôi lưu lạc đến đây trên chiếc xuồng độc mộc, gặp cá lóc nhảy chắn ngang mũi xuồng như báo điềm lành. Hai ông quyết cắm sào dừng lại chọn đất này lập nghiệp. Bên cạnh điềm tâm linh, hiện tượng cá lóc nhảy mũi xuồng là dấu hiệu của nhân khang - vật thịnh, đời đời con cháu, chắt chít sinh sôi đến nay đã thành hậu duệ đời thứ 7, thứ 8.
< Miếu Bà Thuỷ Long ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.
Lật lại phả hệ mới biết cụ Tô Minh Chánh là cháu trực hệ gọi Phật Tổ Tô Quang Xuân là bác (chùa Phật Tổ toạ lạc tại phường 4, TP Cà Mau, là di tích cấp quốc gia, được triều Nguyễn sắc phong năm 1842). Cụ Tô Minh Chánh và cụ Nguyễn Văn Lành xứng đáng được dựng đình, miếu thờ theo hình thức Thành Hoàng Bổn Cảnh.
Vì ngay sau khi định cư, hai cụ đã dựng miếu thờ Bà Thuỷ Long dành cho các thế hệ con cháu đời sau biết kính cẩn với thần linh, luôn nhớ tưởng về cội nguồn. Và trải qua dặm dài thế kỷ, miếu thờ được dân phong là "Thuỷ Long Cung Thần Nữ". Trong miếu, ngoài tượng Bà có phối thờ luôn hai vị cố tổ, xem như là nhất cử lưỡng tiện. Sáng kiến của dân gian bao giờ cũng có lý.
Tập tục thờ cúng nữ thần ở Nam bộ được đề cập sớm nhất là trong sách Gia Định thành thông chí (1820): “Nhiều người trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dù hàng phụ nữ cũng thế, có nhiều giai nhân mỹ nữ, mà trong hạng người giàu sang, trường thọ khôn khéo cũng có xuất hiện tên tuổi của giới phụ nữ.
< Miếu Bà Thuỷ của cộng đồng ngư dân AnThủy (Huyện Ba Tri-Tỉnh Bến Tre).
Còn đó những chứng tích cho một thời khai khẩn. Bằng bàn tay và chân trần, các ông cố tổ đã đào đắp nên những đìa: Đìa Sậy, Đìa Tràm, Đìa Điên Điển, Đìa Hang May, Đìa Kỳ Lân, Đìa Cây Me... Còn đó những kinh nghiệm dân gian của các ông thầy nò, những giai thoại về mùa cá đồng trùng với dịp vía Bà vào tháng 2 âm lịch. Còn đó những kỷ vật của người xưa như "một thùng vuông lớn nanh heo và sừng nai, dao ăn ong bằng xương hàm cá sấu, ống thuốc bằng sừng trâu...".
Còn đó những phương thức khai thác đánh bắt như: chài, lưới, đáy, câu, giáo mác, lao roi, bẫy sập... Và còn đó những câu chuyện giờ xứng đáng là huyền thoại: bắt heo rừng, kỳ đà, nai, chồn, khỉ; róc lạt, lá bó, lột vỏ dà; ăn ong mật; đào hầm chứa cá sấu, nấu dầu cá đồng; làm mắm...
Trên con lộ đá đi về phía Bãi Ngao thuộc xã An Thủy (huyện Ba Tri- tỉnh Bến Tre) có ngôi miếu tên là Miếu Bà An Thạnh. Ngôi miếu có từ lâu đời và thờ Bà Thủy để độ cho ngư dân đi chài lưới và đánh bắt nơi biển khơi. Ngôi miếu khá lớn và khang trang, sạch sẽ vì được bà con ngư dân thường xuyên đóng góp, tôn tạo, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Điều đó cho thấy rằng, Bà Thủy được người dân nơi này tôn kính, sùng bái bởi vì vị thần này gắn bó với quá trình mưu sinh nơi biển cả của họ. Không chỉ vậy, càng đi sâu vào tìm hiểu việc thờ Bà Thủy của ngư dân thì càng có nhiều thú vị, mới mẽ. Ở đó, tín ngưỡng Bà Thủy không chỉ dừng lại ở niềm tin, hoạt động cúng bái mà còn phản ánh những yếu tố lịch sử, kinh tế-xã hội và cả thế giới quan, nhân sinh quan của ngư dân An Thủy qua nhiều thế hệ.
Đặc biệt, đối với các nghề liên quan đến sông nước và biển cả ở Nam bộ, người ta thường vái van Bà Cậu để cầu mong độ trì qua cơn sóng gió. Chắc vì thế mà người ta thường hay gọi dân làm nghề thương hồ hạ bạc là “dân Bà Cậu”. Bà Cậu chính là Bà Thủy và hai người con trai: Cậu Tài và Cậu Quí. Nơi ở của Bà Thủy dưới sông nước, biển cả gọi là “Lục cung thủy triều”.
Mặt khác, người ta còn có quan niệm Bà Thủy chính là hóa thân của Thiên Y Ana. Trong văn bia của Phan Thanh Giản tại Tháp Bà Nha Trang, có đoạn kể về Thiên Y Ana đã hóa phép nổi sóng gió nhấn chìm thuyền của thái tử Trung Quốc, biến chiếc thuyền này thành tảng đá. Do đó, Thiên Y Ana và 2 người con của Bà (Cậu Tài, Cậu Quí) được xem là vị thần của sông biển, cù lao. Lê Quang Nghiêm, trong Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hòa, cho biết chi tiết: “Ngày xuất hành ra biển làm mùa vào mùng 4 hoặc mùng 6 tháng giêng âm lịch, khi đoàn ghe đi ngang Tháp Bà Ponagar gần cầu Bóng, người ta làm lễ lệnh Bà Tiên Chúa”.
Đình Phước Lễ (thị xã Bà Rịa) có miếu thờ Thủy Long thần nữ, Thủy Long thần nữ hay thường gọi là bà Thủy, bao hàm cả chức phận của Hà Bá và cũng có thể là Thủy Đức thánh phi có mặt trong Ngũ Hành.
Miễu Bà trong khuôn viên đình Thắng Tam (Vũng Tàu) ngoài bà Ngũ Hành còn thờ Thiên Y Ana và Thủy Long thần nữ, 5 cô, 5 cậu, Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, Ông Địa, Thổ Công, Tiền Hiền. Trên chánh điện có cốt tượng 5 bà. Lễ hội miếu Bà từ 16 đến 18 tháng 10 âm lịch. Thủy Long thần nữ ở miếu này được triều Nguyễn cấp 3 đạo sắc với mỹ tự là Diệu Linh Quảng Tế Chiêu Ứng Thủy Long thần nữ.
Hòn Bà nằm cạnh chân núi Nhỏ, có ngôi miếu lớn thờ bà Ngũ Hành. Cạnh đó có ngôi miếu thờ Thủy Long thần nữ. Miễu Bà Long Hải (Long Điền) bên cạnh bàn thờ Ngũ Hành còn có cốt Bà Lớn (rùa da) ở chánh điện cùng với mộ táng ở phía trước. Bà Thủy Long, Mẹ Sanh, Mẹ Độ, Quan Âm, Quan Công, Thổ Thần được phối tự chung trong miễu. Trong Lăng ông Thắng Tam cũng có bàn thờ Bà.
Không chỉ dung nạp các vị thần có nguồn gốc nhập cư, cư dân việt ở địa phương cũng lưu giữ trong niềm tin của mình những nữ thần bản địa tuy không giàu thần tích nhưng gắn bó mật thiết với mảnh đất sinh tụ. Thị Vãi là một nữ thần giàu lòng nhân ái, thủy chung, được người địa phương yêu mến lập miếu thờ. Tên tuổi của bà gắn liền với núi sông. Sách xưa chép: “Núi nữ Tăng (tục danh núi Bà Vãi), ở về huyện Long Thành.
Bà Trao (không rõ họ và quê quán) tương truyền là một nhân vật nữ, đã đến Núi Nứa (đảo Long Sơn, Vũng Tàu) khai hoang lập nghiệp vào khoảng giữa thế kỷ XIX và lâp ra ấp Bà Trao(8) . Để tưởng nhớ công lao của bà, người dân ở đây đã lập miếu thờ, xem bà như vị tiền hiền khai khẩn vùng đất này. Đỉnh núi cao nhất đảo Long Sơn (183m) cũng được đặt tên là đỉnh Bà Trao.
Về truyền thuyết bà Phi Yến ở Côn Đảo, lâu nay các tài liệu đều cho rằng do Bà can ngăn Nguyễn Ánh cầu viện nước ngoài nên bị bỏ rơi lại đảo cùng với hoàng tử Cải (hoàng tử Hội An), về sau cả hai đều chết và hiển linh. Hiện bà Phi Yến và hoàng tử Cải được thờ tại miếu An Hải (An Sơn tự). Ngày giỗ của Bà là 18-10 âm lịch. Cách thờ phượng giống như dạng tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana vốn rất phổ biến trong các cộng đồng cư dân hải đảo và ven biển, thông qua dạng thức thờ Bà và Cậu.
< Chánh điện Dinh Cô - Long Hải.
Dinh Cô (huyện Long Điền) thờ cô Lê Thị Hồng Thủy, theo cha từ Phan Rang vào Gia Định buôn bán. Khi thuyền đi ngang vùng biển này thì gặp bão, cô bị rớt xuống biển và xác trôi dạt vào vũng Mù U. Bia mộ được lập năm Bính Dần (1866). Sách Đại nam nhất thông chí viết về núi Thùy Vân: “Ngoài đỉnh có ngọn Thần Nữ phong, tục gọi là mỏm Dinh Cô có gò đá đụn cát. Xưa có người con gái 17, 18 gặp nạn gió táp vào chết dạt ở đấy. Thổ nhân đem chôn và đêm sau người ta mộng thấy nữ nhân ấy từ đó bay đến giúp đỡ cho mọi người. Người ta cho là thần nên lập đền thờ nơi núi, nay vẫn còn"(9) . Lễ hội ở Dinh Cô được gọi là lễ Nghinh Cô, ngày giỗ Cô với mỹ hiệu “dân phong” là Long Hải Thần Nữ Bảo An Chính Trực Nương Nương.
Bên cạnh Bà Cô còn có cả một hệ thống thần linh được đưa vào thờ tự như: Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu hay Nhị vị công tử (Cậu Tài và Cậu Quý, con của Bà Chúa Ngọc), Ngũ Hành Nương Nương, đặt biệt có cả Tứ pháp nương nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) Ông Địa và Thần Tài… Hương án các miếu nhỏ xung quanh thờ: Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Quan Thế Âm Bồ Tát, Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân…
< Chùa Bà trên núi Bà Đen.
Có thể thấy ở đây nhiều dòng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc khác nhau của Việt (Bắc, Trung, Nam); Hoa, Chăm; Phật, Nho, Lão… mà trên hết là sự liên kết bởi tín ngưỡng thờ các “Mẹ” tiêu biểu cho các “Mẫu nhiên thần” ở cả nước xoay quanh trung tâm một “Mẫu nhân thần” địa phương là Bà Cô. Lễ hội Nghinh Cô diễn ra vào ba ngày 10,11 và 12-2 âm lịch, đây là lễ hội lớn nhất ở vùng biển phía Nam nước ta, thực chất là lễ hội cầu ngư của cộng đồng cư dân chuyên nghề sông biển.
Ngược ra Bắc bộ, người dân ở đây từ lâu đời đã thờ vị thần cai quản miền sông nước và biển cả, đó là Mẫu Thoải cai quản Thủy phủ trong hệ thống Tam phủ, Tứ phủ. Như vậy, vị thần cai quản vùng sông nước, biển cả ở nước ta được gắn cho người phụ nữ và có sự khác biệt theo dọc chiều dài đất nước. Tín ngưỡng thờ Bà Thủy có nguồn gốc từ việc sùng bái tự nhiên, đồng nhất yếu tố sông nước và biển cả với vị thần có quyền năng phù hộ, độ trì cho ngư dân với những mùa cá nặng đầy khoang, bình yên trước sóng gió.
Do đặc điểm địa lý nước ta có một bờ biển dài nên người dân đã tiếp nhận trong tín ngưỡng dân gian một tập hợp những thần nữ liên quan đến sông nước với sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa ba tộc người Việt-Hoa-Chăm trong tập tục thờ nữ thần trên địa bàn thông qua hệ thống thần điện, nghi lễ thờ cúng, trong đó tín ngưỡng Việt giữ vai trò chủ đạo, kế đến là tín ngưỡng Hoa và một phần tín ngưỡng người Chăm, có sự hòa trộn, đan xen rõ rệt giữa các yếu tố của tôn giáo (Nho, Phật, Lão) với tín ngưỡng dân gian trong tập tục thờ nữ thần ở vùng đất này biểu hiện qua việc phối tự, nghi lễ.
Du lịch, GO! tổng hợp
0 comments:
Post a Comment