Tuesday, 18 March 2014

Đà Nẵng được nhiều khách du lịch biết đến không chỉ do nơi đây có nhiều thắng cảnh đẹp từ núi, đèo, biển với non nước hữu tình mà nơi đây còn nổi tiếng về các hoạt động văn hóa lễ hội. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có hai làng cổ mà mãi đến ngày nay vẫn còn được giữ khá nguyên trạng.

Đến đây, khách như được tìm về miền quê yên ả với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những hàng tre rợp bóng trên đường làng, những nếp nhà cổ rêu phong xưa cũ. Những làng cổ này đến ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc xưa như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ. Còn gì tuyệt hơn khi ngồi thư thái dưới lũy tre làng, thoang thoảng đâu đó mùi hương lúa nếp hay nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ nơi bến sông rồi đắm mình trong không gian đồng quê yên tĩnh, như một bức tranh với dòng sông, bến nước, và những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.

Làng cổ Tuý Loan

Làng cổ Túy Loan nằm ở hướng tây nam thành phố Đà Nẵng, thuộc địa phận xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Làng Tuý Loan đã hình thành trên 500 năm, mang đậm dấu ấn của lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam.

Du khách đi theo quốc lộ 14B khoảng 15km sẽ đến địa phận làng cổ. Dòng sông mang cùng tên làng “Tuý Loan” uốn lượn, ôm ấp lấy làng. Phong cảnh ở đây rất nên thơ, mộc mạc, hữu tình và tiềm ẩn nhiều điều thú vị.

Dân làng Tuý Loan đã xây dựng đình làng để thờ các vị tiền hiền, tổ tiên. Đình Tuý Loan là một di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng quốc gia, một địa chỉ nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan hấp dẫn.

Đình làng Tuý Loan được xây ở vị trí trung tâm, vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) với diện tích trên 110m² trong khuôn viên rộng hơn 8.000m², thoáng đãng, hướng quay ra sông, nhìn về thế núi, sát đường lớn và đặc biệt có cây đa cổ thụ cành lá xum xuê chắc đã có hơn trăm tuổi gây ấn tượng và cảm xúc khó quên.

Tại văn bia đặt trong đình còn có bài ký của Tam giáp tiến sĩ Nguyễn Khuê người huyện Thanh Trì (Hà Nội) ghi lại việc lập đình. Bài ký có đoạn: “Đình gồm một tòa chính tẩm, một tòa tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói'”.

Văn bia ở Nhà ngũ tộc trong làng ghi rằng năm vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê được chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương nam (năm Hồng Đức nguyên niên 1470). Năm vị dừng chân chọn nơi đây để lập nghiệp khai khẩn làm ăn và đặt tên cho làng là Tuý Loan.

Đã hơn một thế kỷ trôi qua, đình làng vẫn còn gần như nguyên vẹn, trang nghiêm, trầm mặc dưới bóng đa cổ thụ và giữa bao các rặng tre làng. Sân đình có xây trụ biểu, bình phong, vẽ các câu đối... rất uy nghi, tôn kính.

Hằng năm, đến ngày mồng chín tháng giêng làng cúng đầu năm và hội làng cũng được tổ chức dịp này với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao bổ ích, vui nhộn như: đua thuyền, hát hò khoan đối đáp, thi nướng bánh tráng... thu hút những trai tài, gái sắc, dân làng nhiều nơi và khách thập phương đến dự hội và tham quan. Đến ngày 11-12 tháng 8 âm lịch hằng năm, cả làng lại long trọng thiết lễ tế đình để tỏ lòng biết ơn các vị tiền hiền đã có công khai khẩn lập làng và cầu mong quốc thái dân an.

Mái đình, cây đa, bến nước... là biểu tượng đặc trưng của làng cổ Việt Nam. Ở đây, làng Tuý Loan có vị trí thuận lợi, là nơi hội tụ giữa đường thủy và đường bộ. Cảnh vật nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc, có dòng sông, bến nước, bãi bờ, làng quê, đồng lúa, cầu qua, chợ búa... Tương truyền Túy Loan xưa phát triển sầm uất, nổi tiếng trù phú, cảnh trên chợ dưới sông tấp nập. Chợ Tuý Loan như là một trung tâm quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng: cá mắm từ Hội An, Đà Nẵng lên, lâm sản từ miền Tây xuống, chiếu, nón, nong rổ Cẩm Nê về...

Nghề làm bánh tráng và mì Quảng ở Tuý Loan nổi tiếng từ xa xưa. Hiện nay còn trên 5 lò bánh, trong đó có lò Bà Tỉnh với nghề gia truyền hơn 40 năm. Để có bánh tráng ngon phải chế biến đủ năm thứ gia vị mắm, muối, đường, tỏi và mè.

Còn để có con mì ngon dẻo, phải chọn ra được gạo 13/2 sản xuất từ vùng đất cát không phèn của xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc). Pha chế là bí quyết, một nghệ thuật của làng để bánh tráng và mì có hương vị độc đáo mà chẳng nơi nào sánh được. Dân gian đã truyền tụng câu ca rằng:

Tuý Loan trăm thứ đều ngon
Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ !

Khách đến Đà Nẵng, ra Bắc vào Nam hãy ghé lại Tuý Loan, dạo một vòng quanh làng và chợ họp ven sông, thưởng thức hương vị mì Quảng và bánh tráng, chiêm ngưỡng đình làng và không gian làng cổ. Có dịp dự hội làng quý khách sẽ rất thú vị và có ấn tượng khó quên về một làng cổ, một đình làng với cảnh sắc thiên nhiên mộc mạc, con người ân tình và nồng hậu, đậm đà bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam rất đáng tự hào và trân trọng.

Làng cổ Phong Nam

Làng cổ Phong Nam gần quốc lộ 1A, thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía tây nam. Đây là một trong số ít ngôi làng còn giữ được nét đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống: đồng lúa xanh ngát được bao quanh bởi những lũy tre, con đường đất quanh năm mát rượi; những ngôi nhà bình dị của nhà nông đôi khi tưởng chỉ còn trên sách vở.

Làng Phong Nam chiếm một phần lớn địa phận xã Hòa Châu, gồm các thôn Nam Thạnh, Tây An, Đông Hòa, Bàu Cầu. Trước kia, Phong Nam chỉ là một phần phía nam của làng Phong Lệ rộng lớn và nổi tiếng với một bề dày lịch sử lâu đời. Đó là một vùng đất được khai thác sớm từ thời Chàm. Thời Trần, Lê, Phong Lệ từng là đất huyện lỵ của Điện Bàn. Có nhiều hiện vật Chàm đã được tìm thấy ở địa phận làng Phong Lệ nay vẫn còn được trưng bày ở bảo tàng điêu khắc Chàm - Đà Nẵng.

Phong Lệ là quê hương của Ông Ích Khiêm. Trước kia làng có tên là Đà Ly. Theo như lời các cụ già trong làng kể lại thì cái tên làng Phong Lệ có từ thời Ông Ích Khiêm.

Tên Đà Ly là tên cổ từ xưa truyền lại. Các cụ cho rằng chữ “Đà” và “Ly” viết theo chữ Hán đều có bộ “Mã” (ngựa), không phải là “mỹ tự”. Đến lúc Ông ích Khiêm là người làng làm quan, có tiếng nói của triều đình, các cụ đã xin đổi tên làng thành Phong Lệ, và giữ chữ Đà Ly cổ truyền làm tên một thôn (nay thuộc thôn Phong Bắc, xã Hòa Thọ). Tên gọi Đà Ly hiện vẫn còn trong trí nhớ của nhiều dân làng và còn lưu lại trong một số giấy tờ, gia phả của các tộc họ trong làng.

Cách đây hơn 100 năm, con sông cầu Đỏ hiện nay chỉ là con lạch nhỏ, mùa nước cạn có thể lội qua được và chưa phải là ranh giới của làng. Sau này, người ta gọi phần đất ở phía nam con sông là Phong Lệ Nam, phần ở phía bắc là Phong Lệ Bắc, sau nói gọn dần thành Phong Nam và Phong Bắc.

Đến khi con sông được chọn làm ranh giới xã thì Phong Nam thuộc vào xã Hòa Châu còn Phong Bắc thuộc vào xã Hòa Thọ. Tuy tách biệt và thuộc vào hai xã khác nhau nhưng dân làng Phong Lệ (Nam và Bắc) vẫn duy trì nhiều sinh hoạt chung - nhất là trong các việc họ, việc làng.

Giá trị hấp dẫn của làng Phong Nam là các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ... Ngày xưa, Phong Nam còn nổi tiếng với Lễ hội Mục Đồng, một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, lễ hội tôn vinh nghề nông và cũng là để cầu cho những vụ mùa sắp đến sẽ bội thu. Ở đây còn nhiều giai thoại về tên đất, tên làng, về tài năng của Ông Ích Khiêm, về những cuộc viếng thăm của Cao Bá Quát và cả câu đối của cụ Phan Bội Châu tặng cho làng...

Đến làng Phong Nam, du khách sẽ được tận hưởng cái cảm giác yên bình, tận hưởng mùi hương lúa non thoang thoảng trong làn gió mát, hay tiếng sóng vỗ rì rào ở bến sông của những ngôi làng trữ tình ven sông.

Chắc chắn du khách sẽ rất thú vị khi đến thăm một bến nước ở Đông Hòa (Xóm Hến) - xưa từng nổi tiếng về nghề làm hến với câu ca “Đông Hòa bán hến mua trâu”, một ngôi miếu âm linh u tịnh dưới gốc đa cổ thụ ở bến sông Tây An (Xóm Đùng)...

Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment

Lịch sử đăng bài

Powered by Blogger.

Bài đăng mới

Thích thì click!^^

Bải đăng phổ biến