Nước mắm ngon dằm con cá gúng
Để anh về Bàu Súng cùng em.
Bàu Súng là ao nước khá rộng có diện tích độ 2,5km2, ba mặt bắc, nam và đông có làng bao bọc. Phía bắc giáp thôn Phú Hòa, phía nam giáp Hòa Đa, thôn Phú Long, phía đông giáp thôn Giai Sơn, phía tây giáp cánh đồng hẹp ruộng bậc thang tiếp giáp đường hỏa xa. Bàu ngập nước từ tháng 8 tháng 9 đến tháng 3 tháng 4 âm lịch, những tháng khác ít nước nên diện tích bàu nhỏ hơn.
Bàu súng thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, ba bề không có đường nước rút mà chỉ có con đường đưa nước vào đồng Mốc xã An Chấn chảy ra cầu Đồng Nai rồi ra cửa biển Mỹ Á. Đồng Mốc lại cao hơn bàu, màu lũ nước rút rất chậm, giữa bàu mọc rất nhiều bông súng trắng và hồng nên được mang tên là Bàu Súng.
Nơi đây có hoa súng màu tím sẫm, súng dừa trắng xanh, súng cơm trắng đục. Chúng nở hoa từ 3-4 giờ sáng đến 5-6 giờ chiều thì khép lại, cứ thế cho đến khi hoa sắp thành trái thì thôi, thường là trong vòng một tuần lễ. Và những cọng non tiếp tục nhô lên mặt nước.
Bông súng trông giống như hoa sen cũng từ dưới nước mọc lên, lá to tròn thường trải trên mặt nước, màu tím, cọng bông cứng hơn nhô lên khỏi mặt nước trổ hoa cách trắng không có mùi hương, cọng của lá dùng cho lợn ăn, cọng của hoa tước vỏ ngoài dùng trộn với rau sống.
Điều đặc biệt khi mùa nắng bàu rút nước, người dân cày lên trồng rau hoặc dưa. Bông súng tàn rụi không thấy đâu nhưng đến khi mưa lũ, nước dâng cao, bông súng tự dưới đất bùn nhô lên khắp bàu. Ngoài hoa súng, trong bàu còn có hoa chóc tím, điên điển vàng, hoa muống trắng và lục bình rực rỡ. Loài cò trắng, chim đen, bồng bồng không biết từ đâu theo mùa nước về với bàu kêu ríu rít.
Chất đất xung quanh bàu khác biệt: Hòa Đa, Phú Long đất cát pha dân thường trồng khoai lang. Thôn Giai Sơn đất cát, dân xây dựng nhà cửa. Thôn Phú Hòa và đồng ruộng đất da tây, dân trồng lấu bông, dưa gang, mướp, rau muống thì khắp bàu nơi nào cũng có.
Chính quyền thời Pháp có vét một cái ao lớn chính giữa bàu có tên ao làng, lấy nước ao tươi nước cho lúa vào mùa khô và bắt cá trong ao thu lợi tức dùng vào việc công ích. Bàu có nhiều lọai cá nước ngọt, đặt biệt có loại cá diếc, cá tràu là nhiều hơn cả, ngoài ra còn có lươn, ốc bươu, vịt trời nữa.
Ngư dân thường dùng lờ đánh bắt cá, thả dọc theo các mương con, hoặc giữa bàu. Những con ca trông thấy dợn bóng tìm cách chui vào. Còn nhiều cách đánh bắt khác như lưới, nôm, nhá tùy theo mùa. Cá diếc Bàu Súng nổi tiếng là ngon nhất vùng, những người thích thú những món ăn ngon, tất phải thưởng thức món gỏi cá diếc (cá diếc Bàu Súng). Gỏi cá diếc phải là cá sống dang bơi trong chậu, gỏi cá thường dùng loại cá nhỏ chiều ngang từ hai phân rưỡi đến ba phân.
Chợ Bàu Súng nằm giữa thôn Hòa Đa và Phú Long. Thời Pháp thuộc, chơ lụp xụp, bao quanh chợ là phố xá, nhà cửa chen chúc nhau. Chợ họp mỗi tháng sáu phiên vào các ngày có số 3 và 7 (mồng 3, 7, 13, 17, 23, 27). Dân miền núi (An Thọ), duyên hải (Nhơn Sơn, Hội Sơn, Phú Thường) và đồng ruộng (Phú Hòa, An Hòa) hội họp mua bán đông đúc gồm thổ sản, lâm sản và hải sản.
Năm 1995 chính quyền địa phương dời chợ xuống gần sân vận động, xây lều lợp tôn rộng rãi trên mặt bằng rộng thoáng và khang trang.
Tổng hợp theo báo Phú Yên
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment