(DNSG) - Ngày xưa, ao ước của các cô gái miền Tây Nam bộ thật dung dị, nhẹ nhàng, được thể hiện qua câu ca dao:
'Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh'.
Thứ bông bí luộc được nhắc đến ở đây là bông bí rợ hay bí đỏ. Bí rợ có thân dài với những tua vòi quấn chặt giàn leo hay bất kỳ thứ gì trên đường đi của nó. Thân cây được bao phủ bởi lớp lông cứng dòn, không gai.
Lá bí lớn, phủ một lớp lông mềm. Giống bí rợ ngon nhất, dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng là bí Vàm Răng, được trồng phổ biến ở Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, trái tròn dẹp, có khía, nặng 3 - 5kg, thịt dày, dẻo, màu vàng tươi, phẩm chất ngon.
Nông dân trồng bí rợ vào lúc sa mưa, khoảng cuối tháng Tư Âm lịch. Chừng hơn tháng sau, cây bắt đầu ra bông. Người trồng để bông cái cho thụ phấn thành trái và hái bông đực có màu vàng nghệ chế biến các món ăn trong bữa cơm dân dã hằng ngày.
Bông bí hái ngoài vườn về ngắt bỏ nhụy, tước lớp xơ cứng xung quanh đài hoa, gần cuống, rửa sạch rồi đem luộc hay đợi nồi cơm vừa chắt nước xong cho vào hấp. Ăn cơm nóng với bông bí luộc hay hấp cùng mắm kho, cá kho hay tép rang thì… no quên thôi.
Cầu kỳ hơn một chút, người ta xào bông bí với tép bạc. Tép bỏ đầu, lột vỏ, bông bí rửa sạch để ráo nước. Chảo dầu sôi, phi tỏi cho thơm rồi đổ tép bạc vào đảo vừa chín tới mới cho bông bí vào đảo đều rồi nhắc xuống. Cơm gạo mới ăn với bông bí xào tép, thêm đĩa cá kho là món ăn miệt vườn đậm đà hương vị biết dường nào.
Người ta còn nấu món canh với bông bí cùng rau tập tàng, “sang” hơn thì thêm miếng tàu hủ, không thì nêm gia vị cũng đã là món canh chay bổ dưỡng. Không biết có phải vì bông bí ngon, bổ và ít nhiều có tác dụng tăng cường sinh lực cho phái mạnh hay không mà chị em miền đất Cửu Long giang thường bảo nhau rằng: Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen (ca dao).
Theo T.B.X (Doanh Nhân Sàigòn Cuối Tuần)
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment