(DLO) - Người Tày Yên Bái là một tộc người có nền văn hóa lâu đời và độc đáo, được đánh giá là rất đặc sắc và còn lưu giữ được nhiều yếu tố truyền thống có giá trị. Hát “Pựt” trong đó có “Khảm hải” được đánh giá là một yếu tố tinh thần như thế.
"Khảm hải" - tiếng Tày cổ là "Khảm khái", được hiểu là sông Ngân (Ngân Hà) trên trời, là một địa danh tồn tại trong tâm thức của tộc người Tày từ xưa. “Pựt” là một trường thơ dân gian của cộng đồng được chuyển thành lời ca, dưới sự thể hiện của thầy cúng có tên là Bụt.
Để làm được nghi lễ này thì gia chủ phải chuẩn bị những lễ vật như: bánh dày, đan lát những đồ cúng tế như mô hình tháp cửu tầng, nhà miếu tế lễ, sọt đựng lễ vật nhiều dạng, nhiều kích cỡ cùng với những sản phẩm nông nghiệp vừa đặc trưng của dân tộc vừa coi là của ngon vật quý.
Bản chất của nghi lễ Khảm hải thực chất là tục cầu cúng giải hạn, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu trường thọ. Tuy nhiên, người Tày Xuân Lai thường thực hiện nghi lễ Khảm hải khi trong gia đình có người già.
Theo quan niệm của người Tày ở đây thì con người tuổi càng cao số mệnh con người càng ngắn nên dễ sinh bệnh tật mà chết. Do đó, muốn sống lâu, khỏe mạnh thì phải làm lễ nối số. Và khi thực hiện nghi lễ Khảm hải cho người già thì gia đình có thể kết hợp cầu may, cầu phúc…
“Pựt” được thể hiện từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc lễ cúng vía với nhiều đoạn và trường đoạn khác nhau. Khảm hải chỉ là một đoạn trong trường ca đó nhưng lại là đoạn hay nhất, hấp dẫn nhất, đoạn này bao giờ cũng được diễn vào lúc đêm khuya nhất nhưng luôn thu hút sự chú ý của mọi người.
Đến nay, “Khảm hải” cũng như hát “Pựt” vẫn được người Tày bảo tồn và giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Đây là nghi lễ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng con người tới cái thiện, về cội nguồn tổ tiên, răn dạy con cháu biết quan tâm đến ông bà, cha mẹ và có một ý chí và nghị lực để vượt qua những khó khăn để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp.
Theo Dulich.vn
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment