Sunday, 6 April 2014

Bao đời nay, người dân thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội vẫn truyền tai nhau những câu chuyện nửa thực, nửa hư đậm chất “liêu trai” về hòn đá ở làng.
Người ta cung kính gọi nó là hòn đá Cả hay “Hòn đá Sơn Tinh” và tin những câu chuyện về nó bằng một niềm tin tâm linh không cần lời giải thích…

Chuyện lạ hòn đá in dấu bàn tay Sơn Tinh

Người ta chẳng thể nhớ nổi hòn đá Cả có ở đấy từ lúc nào, ngay cả những cụ cao niên nhất cũng chẳng thể xác định được độ tuổi của viên đá. Chỉ biết rằng, bao năm nay, hòn đá vẫn nằm một cách ngay ngắn, vuông vức bên đường làng, giữa tán cây lộc vừng tỏa bóng xanh mát.

Từ xưa nay, người dân đã quen với sự hiện diện của hòn đá đấy, gắn bó mật thiết với nó như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Những người đi làm đồng về đều ghé ngồi nghỉ trên hòn đá. Trẻ em thì vô tư đùa nghịch. Nam nữ thanh niên vẫn dừng chân tại hòn đá để trò chuyện, tâm sự...


< Được ngồi chơi hóng mát, nhưng làng tuyệt đối cấm di chuyển phiến đá.

Hòn đá Cả ở thôn Tiến Tiên cách đình làng khoảng 200m. Nó có chiều rộng chừng 80cm, dài gần 120cm, dày chừng 50cm. Phiến đá cổ này được đặt trên hai mố gạch chắc chắn. Phía dưới phiến đá có 5 vết lõm nhỏ được cho là vết bàn tay của thánh Tản. Những câu chuyện về hòn đá Cả được lưu truyền trong nhân dân gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh nên người dân vẫn gọi là “hòn đá Sơn Tinh”

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, hòn đá Cả này có từ bao giờ không ai biết được. Chỉ biết là, từ thời cụ tổ đã truyền lại câu chuyện về đá gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh. Sau khi vuột mất cơ hội lấy được công chúa con vua Hùng Vương, Thủy Tinh thù hận nên bày trận đánh Sơn Tinh. Thủy Tinh làm phép dâng nước định dìm chết Sơn Tinh, Sơn Tinh làm phép cho núi dâng cao cản nước.

Cũng trong lần giao tranh đó, thần Sơn Tinh đã dùng đá ném xuống để ngăn dòng nước lũ của thần Thủy Tinh. Và hòn đá Cả ở làng Tiến Tiên chính là hòn đá của thần Sơn Tinh ném xuống để ngăn dòng nước lũ của Thủy Tinh. Dấu tích còn lưu lại là nguyên dấu bàn tay của thần Sơn Tinh đã cầm hòn đá để ném xuống.


< Vết bàn tay còn in dấu trên hòn đá Cả.

Người thì kể, trước đây, vùng đất này vốn hoang sơ, thần Sơn Tinh khi đến đây, đã giúp nhân dân khai phá đất đai mở bờ cõi. Thời kỳ đó, có một thầy phù thủy tên là Cao Biền ở phía Bắc, vì thấy vùng đất là sinh khí của đất nước nên đã chạy dọc khắp các vùng như Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai... ngày nay để trấn yểm. Nhưng rồi, thánh Tản phát hiện nên đã dùng phép để khống chế lại. Và viên đá này được thánh dùng để chống lại Cao Biền. Viên đá cả của thánh trải qua thời gian là một vật báu của thánh mà người làng có được.

Thế nhưng, chuyện không chỉ có thế, thời gian sau, nhiều câu chuyện về phiến đá khiến người dân lại không thể giải thích. Một người dân ở làng Tiến Tiên cho biết: “Cả dân làng thấy viên đá to, có vết bàn tay lạ nhưng lại vuông vắn nên đã tập hợp nhau lại kéo đá xuống gần bến nước để làm bàn giặt. Kỳ lạ là, mọi người vận chuyển hòn đá rất khó khăn, đến 4-5 ngày mới xong. Nhưng cũng từ đó, những người dân thường hay sinh bệnh ốm đau. Vì thế, dân làng đã nhất trí chuyển hòn đá trở về vị trí cũ. Khi chuyển về lại rất thuận lợi, chỉ cần 1 ngày là mọi người đã đưa viên đá về được vị trí ban đầu”.

Lại có chuyện rằng, có một người dân trong làng không tin lời đồn liền kéo viên đá về nhà mình để làm phản nằm thì sau đó, nhà người này liên tục gặp chuyện không yên. Trong gia đình, người thì “ngơ ngẩn”, người mắc bệnh tâm thần bỏ nhà đi. Không biết trùng hợp hay ngẫu nhiên nhưng nhà đó sợ quá, phải làm lễ tạ và đem viên đá trở lại bến Cốc. Sau đó không thấy gia đình đó có biểu hiện gì lạ nữa”.

Người ta còn kể, trước đây, ở phiến đá có nhiều người khẳng định rằng đã thấy một đôi vịt vàng chạy ra từ trong phiến đá rồi đi tản ra phía ngoài đồng. Thực hư chưa rõ nhưng nhiều người cho rằng, chắc chắn là thánh đã sai đôi vịt xuống để giúp người dân làm ăn.

Vật chung của làng

Sau rất nhiều câu chuyện kỳ lạ xung quanh hòn đá Cả, nhiều người cho rằng, phiến đá đã được thánh Tản “trấn yểm” để bảo vệ ngôi làng giúp người làng yên tâm làm ăn. Người thì cho rằng đó là “hòn đá thần”; “hòn đá thiêng”; người thì bảo hòn đá ấy được thần Sơn Tinh “trấn yểm”, không ai được phạm… Tất cả những lời giải thích ấy thực chất chỉ mang nhiều màu sắc tưởng tượng và không có tính khoa học.

Ở Tiến Tiên, không ai tìm hiểu hay sưu tầm tài liệu về hòn đá Sơn Tinh cũng như sự kỳ lạ của nó. Họ cho rằng, hòn đá đã có từ bao đời nay thì mọi người coi như vật chung, cứ gìn giữ và sử dụng. Người dân Tiến Tiên vẫn truyền miệng những câu chuyện nửa thực nửa hư ấy về hòn đá và vẫn tin bằng một niềm tin tâm linh không cần lời giải thích.

Ông Ơn, 70 tuổi, thành viên Hội người cao tuổi thôn, cho biết: “Sự tích về hòn đá Cả thì nhiều lắm nhưng cũng chỉ được truyền miệng từ thời xưa. Tôi thì nghĩ, viên đá dù không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng cũng chỉ là một vật tự nhiên mà trời đất ban tặng. Tôi cho rằng, các câu chuyện tưởng tượng về hòn đá có thể là do người dân yêu mến, tự hào về hòn đá nên đã dẫn những câu chuyện tâm linh để đời sau gìn giữ, mong muốn thế hệ sau sống tốt hơn, luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội”.

Để tìm hiểu thêm về viên đá thiêng, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Tri Đối, trưởng thôn Tiến Tiên kiêm Phó ban quản lý di tích lịch sử của thôn. Ông Đối cho hay, Tiến Tiên là một vùng đất cổ linh thiêng. Hòn đá cổ nằm ở bến Cốc cũng mang màu sắc tâm linh từ vùng đất linh thiêng của quê hương. Mọi câu chuyện mà người dân nơi đây truyền miệng, kể cho nhau nghe đều mang yếu tố tâm linh của một đồ vật cổ của quê hương.

Cũng trong những chuyện kỳ lạ về viên đá, ông Nguyễn Tri Đối, trưởng thôn Tiến Tiên kiêm phó ban quản lý di tích lịch sử của thôn cho biết: “Hòn đá Cả được dân làng truyền miệng là hòn đá của thần Sơn Tinh ném xuống từ bao đời nay.


< Ông Nguyễn Hữu Định, Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến.

Trước kia, đường làng còn thấp, hòn đá ở gần bến Cốc nên không được sạch sẽ. Trong những năm 1970, đường sá được nâng cấp nhiều lần nên hòn đá Cả cũng được dịch chuyển. Cho đến nay, hòn đá được đặt án ngữ cao ráo ở ven đường cạnh tán lộc vừng như bây giờ.

Sự dịch chuyển đá Cả từ bến Cốc lên trên lề đường đều không có hiện tượng gì bất thường. Chuyện về đôi vịt vàng què ở gần viên đá đó có người khẳng định nhìn thấy nhưng chỉ những ai có duyên mới thấy được đôi vịt vàng què đó. Nhưng đến giờ, thế hệ hậu sinh chúng tôi chẳng ai thấy đôi vịt đó cả”.

Ông Nguyễn Trọng Tuyến, công chức văn hóa xã Tân Tiến chia sẻ: “Hòn đá Cả có từ lâu đời. Họ coi đó là đá thiêng, vật quý. Ai cũng tự dặn mình phải kính trọng, nâng niu bảo quản viên đá, không ai được có ý đồ khác”.

Ông Nguyễn Hữu Định, Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết: "Làng Tiến Tiên là một trong những làng cách mạng của huyện Chương Mỹ. Chuyện về hòn đá Cả là những câu chuyện truyền miệng trong nhân dân, không có căn cứ khoa học, kiểm chứng sự thật. Hòn đá có dấu hình như bàn tay của thần Sơn Tinh, tôi nghĩ đó chỉ là vết khuyết của một viên đá bình thường. Tuy nhiên, người dân Tiến Tiên đều coi hòn đá Cả là một vật quý, tôn vinh thêm nét đẹp văn hóa, lịch sử của làng quê”.

Theo Dân Việt
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment

Lịch sử đăng bài

Powered by Blogger.

Bài đăng mới

Thích thì click!^^

Bải đăng phổ biến