(PLO) - Trong khi những phương tiện truyền thông hiện đại đã phủ lấp những lạc hậu, cổ hủ ở các miền quê, để hướng bà con tới một cuộc sống văn minh, hiện đại thì đâu đó trên dải đất hình chữ S này, vẫn còn những phong tục, tập quán rất lạ lùng, lạc hậu.
< Những cô gái dân tộc Dao vừa tuốt lúa trên cánh đồng.
Người dân tộc Thái ở một số nơi vẫn duy trì tục ngủ thăm, chọc sàn; Còn người Mông trên đỉnh Lung Tang vẫn cho người chết “ăn” và đem ra “ngắm” ánh nắng mặt trời; Ở một số nơi phụ nữ Dao cho dù đã có chồng vẫn duy trì tục “coong trình” với người lạ nếu họ thích; Còn người Hà Nhì thì có con mới cưới vợ hoặc sống với nhau mấy chục năm mới tổ chức lễ cưới…
Phụ nữ Dao: Gặp trai lạ, nếu thích là “coong trình”
Xã Tân Phượng (huyện Lục Yên, Lào Cai) là một xã vùng sâu, vùng xa, đa số là người dân tộc Dao đỏ sinh sống. Người Dao đỏ ở đây không coi quan hệ ngoài vợ chồng thuộc phạm trù đạo đức. Họ gọi đó là “coong trình”. Thậm chí, càng ngủ với nhiều đàn ông càng tốt.
Một cán bộ kiểm lâm người dưới xuôi được phân công nhiệm vụ, phụ trách địa bàn xã Tân Phượng kể lại, trong một chuyến công tác cách đây gần hai chục năm, khi mới chân ướt chân ráo lên đây do chưa hiểu phong tục người Dao nên một lần anh sợ mất vía. Chuyện rằng, khi xuống cơ sở, anh được phân về ăn ngủ tại nhà ông trưởng bản, cũng là người dân tộc Dao. Đêm ấy sau khi chủ nhà mổ gà, mời cán bộ kiểm lâm một chầu rượu say bí tỉ, anh lăn ra ngủ.
Chừng nửa đêm thì thấy hai cô gái đang độ tuổi trăng tròn đến bên giường cầm áo anh lôi dậy. Chưa hiểu ra sao thì hai cô thì thầm vào tai anh: “Cán bộ ra rừng ngủ với chúng tao đi. Dậy đi chúng ta đi “coong trình” nào…”. Anh cố thụt đầu vào trong chăn, thì hai cô gái càng lôi anh mạnh hơn, khiến anh vô cùng sợ hãi. Tiếng động mạnh, ông trưởng bản trở dậy, ông nói gì đó với hai cô gái, họ cười khúc khích rồi buông áo anh ra. Sớm hôm sau kể lại chuyện đó với chủ nhà, trưởng bản cười bảo anh: “Mấy đứa con gái thích cán bộ kiểm lâm, nên muốn kéo ra rừng ngủ với chúng nó đấy”. Chàng kiểm lâm trẻ tuổi khi đó mới nuốt nước bọt tiếc… của.
Đến nay, mặc dù ánh sáng văn minh đã len lỏi, nhưng ở đây vẫn còn duy trì tục “coong trình”, tuy không phổ biến như trước nữa. Theo những người già trong bản, bây giờ đi “coong trình” chủ yếu toàn những người có tuổi. Còn giới trẻ bây giờ được học hành nhiều nên cũng yêu đương hiện đại rồi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì chuyện quan hệ tình dục của người Dao đỏ khá phóng khoáng, kể cả bây giờ cũng vậy. Có người giải thích rằng: “Do cuộc sống khép kín của cộng đồng người Dao đỏ, nên quan hệ hôn nhân cận huyết nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hoặc những đứa trẻ sinh ra dị dạng, hoặc không phát triển trí tuệ và thể hình. Chính vì thế người phụ nữ Dao đỏ muốn duy trì nòi giống bằng cách quan hệ với nhiều người đàn ông khác với vóc dáng cao to, đẹp trai để sinh ra những đứa con khoẻ mạnh, xinh đẹp”.
Chẳng thế mà nhiều người khi lên trên những vùng đất xa xôi có người Dao đỏ sinh sống không khỏi sửng sốt, bởi cha mẹ rất xấu, nhưng con cái của họ rất đẹp. Nhìn kỹ thì chẳng có một nét gì còn lưu lại gốc gác, tổ tiên của người Dao đỏ cả.
“Coong trình” cũng là một nét văn hóa rất đẹp của người Dao đỏ. Với những cô gái trẻ chưa chồng khi thích một anh chàng nào đó thì họ sẽ tìm cách tiếp cận để kéo chàng trai vào rừng để “coong trình”. Sau lần “coong trình” này, nếu thấy hợp, trai chưa vợ, gái chưa chồng thì họ làm cái lễ cúng ma để thành vợ, thành chồng. Còn nếu không hợp, cũng chẳng sao. Tuy nhiên, theo phong tục nếu người phụ nữ nào đi “coong trình” với người đàn ông nào đó mà bị người chồng bắt được thì phải nộp phạt đôi gà và chai rượu, nhẹ nhàng không đáng kể…
Đàn ông Thái: Chọc sàn, ngủ thăm tìm vợ
Chọc sàn, ngủ thăm là một phong tục có từ lâu đời của người dân tộc Thái. Khác với người Dao đỏ, thường là người phụ nữ chủ động để “coong trình” tìm chồng thì người Thái lại ngược lại, đàn ông bao giờ cũng là người chủ động.
Tục chọc sàn và ngủ thăm để tìm vợ, tìm chồng của người Thái hầu như rất phổ biến, ở đâu có người Thái thì ở đó có phong tục này. Đây là một tập quán, nét văn hóa có từ lâu đời, rất đẹp và rất trong sáng, nhưng giờ đây đa số không còn duy trì nữa, một vài nơi cũng có nhưng không còn nhiều, còn một vài nơi tục chọc sàn và ngủ thăm đã biến tướng và bị lợi dụng làm điều xấu.
Tôi nhớ chuyến công tác về Mường Lát năm trước, sau khi đi thực tế viết bài ở một số nơi, được một người bạn học cùng lớp đai học, giờ làm công tác đoàn ở đây nói về tục lệ ngủ thăm. Theo những người dân nơi đây, chữ “thăm” mang tính tích cực. Có khách lạ hay khách quen đến nhà họ mời gì cũng gắn chữ “thăm” đằng sau như: Mời ăn thăm, uống thăm, ngủ thăm, chơi thăm…
Theo phong tục, đối với những chàng trai đến tuổi lập gia đình, họ sẽ nhắm một cô gái nào đó mà thấy ưng ý thì đến tối sẽ chọc sàn, xin ngủ thăm. Khi nghe tiếng chọc sàn, cô gái sẽ dậy mở chốt cửa để chàng trai vào ngủ thăm bên cạnh.
Nếu cô gái thích, sẽ trò chuyện cùng chàng trai, sau một thời gian thì nói chuyện với gia đình hai bên để làm lễ cưới. Còn nếu cô gái không đồng ý, sẽ nằm quay lưng lại với chàng trai, chàng trai sau một vài đêm đến ngủ thăm, nếu cô gái không trò chuyện sẽ tự rút lui.
Tuy nhiên, nét đẹp của phong tục chọc sàn, ngủ thăm của người Thái giờ đây ở một số nơi đã biến tướng ghê gớm. Chẳng đâu xa, vùng đất Mường Lát (Thanh Hóa) chuyện này xảy ra như “cơm bữa”. Nhiều thanh niên ở vùng xuôi lên đây làm công trình giao thông, thủy điện, hay công nhân này nọ… thường lợi dụng chuyện chọc sàn, ngủ thăm để “giải trí” nơi heo hút gió ngàn này. Hậu quả của nó không chỉ dừng lại là một nét đẹp bị biến tướng mà nhiều cô gái còn lâm vào cảnh “sinh con mà chẳng có chồng”, có người ôm hận phải đẻ con trong tủi nhục, có người thì tìm ai đó cho con để còn cơ hội lấy chồng. Nhiều cô gái cứ ngỡ các chàng trai miền xuôi lên đây tử tế, đứng đắn nên khi nghe tiếng chọc sàn, gõ cửa cũng dậy mở cửa, cửa vừa kịp mở thì cô gái cũng nằm trọn trong tay, rồi chuyện gì đến sẽ đến. Khi phát hiện ra cái bụng ngày càng to thì tác giả của bào thai này cũng “cao chạy xa bay” mất rồi.
Cũng như tục “coong trình” của người Dao đỏ, phong tục chọc sàn, ngủ thăm của người Thái nay cũng không còn nhiều. Trong chuyến công tác lên huyện Văn Chấn (Yên Bái) cách đây không lâu, trong cuộc rượu vui với gia đình anh Sa Văn Minh, khi tôi hỏi về vấn đề này thì anh bảo, thời chưa vợ, đêm nào anh cũng đi chọc sàn. Anh Minh cũng chọc mấy nhà, ngủ với 3, 4 cô gái mới chọn được người vợ bây giờ. Khi hỏi chị Như – vợ anh, trước đây anh Minh đi chọc sàn, rồi ngủ lại thì có gì vượt giới hạn không?
Thật thà, chị bảo, “bây giờ thì thanh niên nó tự do hơn, một khi đã chọc được sàn thì… chọc đủ thứ, chứ thời mình, khi thích một chàng trai nào đó thì chỉ nằm tâm sự thôi, không bao giờ đi quá giới hạn nào, kể cả cầm tay”. Và tôi tin vào chị Như, bởi người ta thường nói, chả ai thật như người Thái kể chuyện yêu đương, vợ chồng. Nhưng thật tiếc, một phong tục mang đậm nét văn hóa riêng của người Thái giờ đây đã phai nhạt, nếu có thì cũng đã biến tướng, mai một đi rất nhiều…
Người Hà Nhì: Có con rồi mới cưới
Người dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc ít người sinh sống ở vùng đất biên giới phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai… Trai gái dân tộc này có phong tục trùm kín chăn khi hát giao duyên tình tự với nhau mỗi khi trong bản có lễ hội. Theo phong tục của người Hà Nhì là không cho người khác nhìn thấy con trai giao duyên với con gái. Trùm chung chăn kín nhưng họ vẫn giữ được ranh giới nhất định, bởi vì luật tục của người Hà Nhì rất khắt khe với những cô gái chưa chồng.
Thanh niên Hà Nhì được tự do kết hôn, nếu bạn gái yêu mình thì chàng trai dẫn về nhà thưa chuyện với cha mẹ xin cưới làm vợ. Tôi đã từng được nghe kể về lễ cưới hỏi của người Hà Nhì ở Bát Xát (Lào Cai), lễ dạm hỏi gồm ba bước. Lần đầu người mối mang một chai rượu, quả trứng và hai gói cơm nếp sang nhà gái nói chuyện về việc cưới xin. Lần hai, ông mối mang thêm một đồng bạc trắng biếu cô dâu tương lai. Lần thứ ba, ông mối sang xin nhà gái định ngày cưới. Mỗi cặp vợ chồng đều trải qua hai lần cưới.
Cưới lần thứ nhất: Người con trai rủ vài người bạn đến nhà người yêu hay một nơi nào đấy đã hẹn sẵn. Khi gặp nhau, người con gái trả lại bạn trai một đồng bạc trắng mà người làm mối đã đưa sang hôm dạm. Họ đưa nhau về nhà trai chào bố mẹ và cúng tổ tiên. Hôm đó nhà trai cũng như nhà gái đều làm bữa cơm thân mật mời bà con hàng xóm mừng hạnh phúc cho hai con. Từ đó, cô dâu ở hẳn bên nhà chồng. Sáng hôm sau, nhà trai sang nhà gái với lễ vật gồm trai rượu, cơm nếp và một quả trứng để hỏi về đồ thách cưới trong lễ cưới lần hai.
Cưới lần thứ hai: Trước kia nghi lễ này khá tốn kém, nhà gái thường ăn uống tiếp khách trong một ngày, nhà trai hai ngày. Số lượng tiền gạo chi tiêu cho ngày cưới khá lớn. Vì tốn kém như thế nên người Hà Nhì chỉ tổ chức đám cưới khi gia đình làm ăn khấm khá. Nhiều người 50, 60 năm sau khi đã có con cháu mới đủ khả năng tổ chức lễ cưới lần hai. Có người cho đến lúc chết vẫn chưa cưới xong. Với những trường hợp này lúc chết trước khi làm ma, người ta phải làm lễ cưới tượng trưng với lễ vật là một con gà và ba gói xôi.
Người Hà Nhì còn có hình thức cưới không qua lễ hỏi. Trai gái yêu nhau tự định ngày cưới. Người con trai nói trước với bố mẹ mình điều đó, còn người con gái có thể không nói cho bố mẹ biết vì lễ cưới này thường xảy ra khi bố mẹ cô gái không đồng ý cuộc hôn nhân. Lễ cưới được tổ chức giống như lễ cưới lần thứ nhất của hình thức cưới có đi hỏi. Trong trường hợp này không cần tổ chức lễ cưới lần hai nữa.
Trong những nét đẹp mang đậm nét văn hóa của người dân tộc ít người, đến nay lễ cưới của người Hà Nhì vẫn được duy trì khá phổ biến. Và một điều ít người biết, là các cặp vợ chồng người Hà Nhì rất ít khi bỏ nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, vì lễ cưới khắt khe và phong tục còn mang đậm tính lễ nghĩa, gia giáo nên chuyện bỏ nhau gần như là rất hiếm ở đồng bào dân tộc ít người này.
Người Mông: Phơi nắng, bón cơm cho người… chết
Trong những chuyến công tác về nơi xa xôi của người Mông sinh sống, tôi từng chứng kiến cảnh một gia đình có người chết, cứ mỗi khi mặt trời mọc, gia đình lại đưa ra “phơi nắng” cho đến khi mặt trời lặn mới đưa vào nhà. Ngoài ra, theo truyền thống của người Mông đen, xác chết sẽ được giữ ở trong nhà từ 3 đến 5 ngày. Người thân, bạn bè ăn uống, nằm ngủ bên cạnh người chết trong những ngày này trước khi đưa họ về nơi an nghỉ.
Ở trên bản Lung Tang (Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La), đến nay vẫn duy trì phong tục, tập quán… đáng sợ này. Trước đây, theo phong tục, số ngày đem xác chết ra “phơi nắng” tùy thuộc vào người chết có mấy người con. Gia đình càng đông con thì số ngày đem ra “phơi nắng” càng nhiều, cho dù chân tay, đầu tóc có rụng thì họ vẫn cứ đưa ra khi mặt trời mọc, khiêng vào khi mặt trời khuất núi.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do được truyên truyền, phổ biến đời sống văn hóa mới, tập quán để xác chết nhiều ngày không còn nữa. Bây giờ, nhiều nhất là 5 ngày, còn đa số là 3 ngày. Theo đó, sau khi một người trong gia đình chết, người thân của họ vẫn coi như còn sống, nên mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Trong bữa ăn, mọi người vẫn đút cơm, bón nước vào miệng cho người chết… Kể cả sau nhiều ngày, thức ăn đã lên men, thậm chí ruồi nhặng bâu đen quanh mặt người chết, họ vẫn tiếp tục đút cơm vào miệng người quá cố kia.
Không những thế, với suy nghĩ người chết kia vẫn chẳng khác gì người sống, chỉ có điều không thể tự mình cử động, không thể tự mình ra ngắm mặt trời được nên mỗi khi ánh mặt trời ló rạng trên ở phía Đông là họ lại khiêng người chết ra ngoài sân, đặt ngửa lên tấm ván đã chuẩn bị sẵn, đầu hướng về phía mặt trời mọc. Dù trời mưa to, hay nắng cháy thì cũng phải đến lúc nào mặt trời lặn, người chết mới được khiêng vào trong nhà.
Trong những ngày chờ đưa người chết đi chôn cất, gia đình sẽ mổ trâu, lợn để cho những người hàng xóm đến ăn, uống rồi ngủ xung quanh người chết.
Trò chuyện với một số người dân, họ bảo vì những người già “lạc hậu” còn muốn duy trì cái hủ tục này, chứ giờ họ cũng sợ lắm. Cùng với sự tiếp cận những phương tiện truyền thông “văn minh, hiện đại” như ngày nay cùng với việc tuyên truyền của chính quyền địa phương, thì chắc ít năm nữa, cái tục lệ “kinh khủng” này sẽ chẳng còn tồn tại.
Theo Phùng Thanh (báo Pháp Lý)
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment