Thursday, 29 May 2014

Mình đắn đo nhiều khi viết bài này, liệu có nên đưa nó lên đây không hay cứ mặc cho dòng đời đẩy đưa đến khi blog này vào dòng quên lãng? Thôi thì cứ thật lòng, ít ra đây như một cái thật tế buộc phải vậy và không thể khác được.

Thời gian thấm thoát qua nhanh; vậy mà đã hơn 10 năm mình làm web, chỉ tính riêng Du lịch, GO! đã sắp tròn 4 tuổi và trở thành kho dữ liệu khá khổng lồ.

10 năm làm web trải qua 3 cái ghế ngồi, 2 dàn máy tính, 3 bàn phím, tùm lum con chuột, 3 nhà cung cấp mạng... và cũng chả biết bao nhiêu bạc chẳn lẻ vứt vào cái đường truyền internet - thành quả may mắn là những blog, những web mình làm bét nhất cũng giúp ích chút ít cho đời thêm vui!

- 10 năm làm web, cái mình được nhận lại là căn bệnh bao tử kiểu 'trường kỳ kháng chiến' do nhiều lo toan hoặc ăn uống thất thường.

- Dăm năm phượt phẹo, mài mông trên lưng ngựa sắt già khám phá cùng tận mọi nẻo đường rồi về nhà bám dính cái ghế để đưa lên blog những chốn đẹp nhất, những cung đường tuyệt và hoang sơ nhất - mình sửng sờ nhận thấy được đời 'thưởng' thêm căn bệnh trĩ ngoại ở giai đoạn đầu! Ấy là chưa kể đến lần suýt thập tử nhất sinh khi bất chợt phát bệnh 'nhược cơ' hồi ở vùng xa xứ Tuy Hòa...

Lâu rồi không có chuyến đi dù mình và cả 'nửa kia' vô cùng mong muốn. Ước mơ xuyên Việt trở thành xa lắc, ước vọng nhỏ hơn là mấy ngày khám phá Quy Nhơn cứ phải gác lại nhiều lần.

Đi thía quái nào được trong khi bệnh bao tử chưa ổn định và có thể tái phát bất kỳ lúc nào? Vậy nhưng đây vẫn là chuyện nhỏ có thể thích nghi.
Nhưng đi thế quái nào được trong khi kinh tế gia đình dạo này rơi vào tình thế khó khăn hơn trước; con mình làm ăn thất bại, trở về trắng tay? Nhưng đấy cũng là chuyện phải chịu vì đây là bài học của đời. Vả lại đi theo kiểu bọn mình cũng không tốn quá nhiều do không đòi hỏi cao - tiết kiệm thêm là đủ.

Có điều, làm sao còn có tâm mà phượt khi mình lại mài mông trên lưng ngựa sắt trong hành trình hàng trăm, hàng ngàn cây số - sau đó về lại cắm cúi hàng tuần tường thuật lại chuyến đi... để căn bệnh 'có vẻ' là trĩ đang ở giai đoạn đầu trở nên cấp độ cao hơn trong khi cái bịnh này nổi tiếng rắc rối, dây dưa, khó trị dứt hẳn và khiến ngưới bệnh có thể phải thay đổi luôn cả cách sống? Cái này xem ra khá phiền!

Trị bệnh thì mình vẫn trị đấy nhưng lúc này bổng trở thành nặng nề và đầy nỗi ngán ngẫm!

Chữa bệnh bây giờ khá tốn kém. Vào BV Đại Học Y Dược, lấy thẻ khám hay tái khám là mất ngay 100k. Vậy nhưng chưa là cái gì với mức phí của những xét nghiệm: trả tiền triệu là chuyện 'nhỏ như con thỏ'... để rồi sau đó đến gánh nặng tiền thuốc cũng không hề ít dù mình xin bác sĩ cho toàn thuốc nội, loại tương đối tiền.

Vậy nhưng cái lo này là đáng lo nhất: được định bệnh và có thuốc trị rồi nhưng vẫn chưa chắc là phẻ vì chưa biết 'đúng bệnh' và sẽ 'hết bịnh' hay không!

Nếu không có tiến triển rõ rệt thì sẽ có lúc 'hội ngộ' với dịp tái khám lần 2, lần 3... Tiết giảm đủ thứ, nhịn phượt phẹo mà đi gặp thày thuốc, may mắn thì bệnh giảm hay hết còn xẻo xui thì bệnh tình cứ dây dưa!

Do vậy nên kèm theo thuốc Tây, mình lại cầu may với những phương thuốc Nam bằng cây cỏ đầy trên mạng. Tự đâm lá, tự thực hành chứ những bài thuốc Nam nổi tiếng trên internet cũng không hề dễ kiếm hay rẻ rúng đâu... và cũng chưa chắc công hiệu thật sự vì lắm lời khen chê.

Bệnh này khiến mình không dám ngồi lâu, không dám lang thang như ngày trước. Ngoáy nhìn lại, tự dưng thấy cánh cửa phượt đã bị đóng lại từ thuở nào: những con đường đất quanh co không bóng người, những dòng suối - thác hay bãi biển chả có tên, những chốn hoang sơ đến tận cùng mà khi ấy chỉ có dấu chân bọn mình... nay bổng đi vào dĩ vãng - Dường như đó đã là chuyện xưa: thôi đừng mong ước xa xôi nữa Điền ơi...

Không còn hẹn trước các chuyến sắp khởi hành, chả còn tường thuật lại chuyến vừa đi - bổng dưng mình thấy Du lịch, GO! trở thành thứ 'hàng mã'!

Blog ni không phải là chỗ kiếm tiền, kiếm view (vì chả để làm gì) mà chỉ là nơi tường thuật lại các chuyến đã đi của bọn mình, của bè bạn - kèm theo đó là những hướng dẫn về địa danh, các kinh nghiệm cho những phượt thủ có ý thích lãng du mà chưa biết ít chốn lạ...

Vậy nhưng bây giờ có phượt phẹo gì được nữa đâu mà cổ súy, mà chăm chút chỉ chọt cho người thích phượt? Bố láo vì tự dưng bây giờ chỉ thấy bài toàn phải sao chép các nơi, không hề còn tự truyện về những chuyến đi tạm gọi là tý hoành tráng, thậm chí đến cả những chuyến dạng 'Loanh quanh thành phố' cũng mất biệt. Vậy thì blog này liệu có cần tồn tại không? Có lẽ sẽ là không vì 'giàn thiên lý đã xa' rồi...

Cho nên từ bây giờ bạn đừng thấy lạ khi những câu hỏi trong phần 'Hỏi phượt' ít được mình trả lời. Mà trả lời cái gì trong khi chính ta lúc này đang chôn chân tại chỗ, giải đáp chỉ còn là cái sự dóc tổ của dạng 'ngựa phi đường xa' nay buộc phải múa bút tựa cái kiểu 'ngồi nhà trông sao'.

Thôi thì cũng chỉ là chút tự tình do cái sự 'sinh, bệnh, lão, tử' mà ai ai cũng gặp dù 'kẻ ít, người nhiều'. Ta thời lắm số 'may' dù cái 'may' ở phương diện này không ai ham muốn mong mình được 'bội thu'.

Xưa kia, mình hay thông báo trước các chuyến đi rằng 'Dulichgo' sẽ tạm ngưng vài ngày do bọn mình sắp lên đường, do có thể thiếu wifi nên không cập nhật được'.

Còn hiện tại, nếu một ngày nào đó, có thể tháng sau, tuần sau hay ngay vài ngày sau: khi bạn thấy blog này không được cập nhật, đóng cửa hoặc tệ hơn là biến mất tăm... thì biết mình đang vật lộn với bệnh tình và có thể nó đang áp đảo tựa bọn bành trướng.

Bao giờ, ta lại vung sức vi vu trên những nẻo đường ít ai biết đến? Chắc lâu, hoặc cũng có thể là chả bao giờ nữa...

Vài dòng thông báo để các bạn hiểu. Máu lang thang mình vẫn đầy ắp trong tim, ham muốn khám phá vẫn tràn trề, chỉ tiếc rằng có lẽ đời chỉ cho phép ta cuồng chân tới mức đó thôi.


Trong thật tế, mình vẫn sống vui và tồn tại như bao thứ đang hiện diện trên đời... với ít nhiều đổi thay trong cuộc sống. mình không buồn, không bi quan, nếu so sánh với cuộc sống khó khăn của nhiều bản làng mà mình đã qua, nhớ các đôi mắt rực sáng của đám trẻ vùng cao khi nhận được tấm áo mới hay nắm kẹo thơm phức...
Hóa ra đời ta đã sướng hơn bọn trẻ bội phần rồi còn chi?

Xin chúc mọi điều tốt lành sẽ đến với những bạn thích phượt, ham lang thang trên mọi nẻo đường đất nước. Xin chúc bạn tràn đầy sức khỏe vượt qua mọi thử thách trên đường đời.

Điền Gia Dũng
Blog Du lịch, GO!
(ANTĐ) - Quảng Trị có những bờ biển dài với cát trắng, biển xanh, gió Lào mà bất cứ ai từng đến sẽ không thể nào quên. Quảng Trị, mảnh đất đầy nắng và gió, nơi mà mỗi khi nhắc đến người ta thường nghĩ ngay tới cuộc chiến tranh chống Mỹ nhưng không chỉ có thế, nơi đây còn là  một thiên đường biển ở nơi gió cát.

< Bình minh trên biển Cửa Tùng.

Các bãi biển ở Quảng Trị đều nằm kề quốc lộ. Bãi biển Cửa Tùng, bãi biển Cửa Việt là hai bãi riêng nhưng gần như nối với nhau tạo thành bãi tắm dài tưởng như bất tận. Người tắm biển ở Cửa Tùng có thể cứ men theo bãi cát mà đi, cũng có thể đi trên con đường ven biển để đến bãi tắm Cửa Việt.

Cụm bãi biển Cửa Tùng - Cửa Việt đẹp mơ màng dưới nắng với bãi cát trắng, phẳng mịn, dịu dàng cùng trời nước bao la. Nơi đây có 8 mũi đất bazan đỏ như ráng chiều cùng chạy xô ra biển, tạo thành một chiếc lược kì vĩ, ngàn đời chải mượt triệu lớp sóng xanh. Ngoài khơi xa, đảo Cồn Cỏ hay còn có tên gọi khác là đảo Thảo Phù, đảo Con Hổ hay Hòn Mệ, huyện đảo tiền tiêu của cả vùng duyên hải Bắc Trung bộ và cũng là huyện đảo có số lượng cư dân ít nhất trên thế giới. Cồn Cỏ như một con rùa vàng nổi lên trên mặt biển xanh bao la gợi ra bao ý tưởng về huyền thoại thuở hoang sơ. Ở vào vị trí ấy, Cửa Tùng có thể ví như “Nữ hoàng” tựa lưng vào làng biển Vĩnh Quang bốn mùa rợp xanh bóng mát và rừng phi lao rì rào trong gió.

Cửa Tùng từng được mệnh danh là “Nữ hoàng của những bãi tắm”. Nơi trước kia, vào thời kỳ Pháp thuộc, Cửa Tùng đã từng được chọn là điểm nghỉ ngơi cuối tuần của các sỹ quan người Pháp. Trước đó, Cửa Tùng cũng là nơi vua Duy Tân từng ngự lãm, nghỉ ngơi. Cho đến nay, biển Cửa Tùng vẫn còn ngôi nhà nơi vua từng ngự, nhà Thừa Lương Cửa Tùng.

Cùng với cảnh quan đẹp, biển Quảng Trị là nơi có điều kiện rất tốt về hải văn. Nhiệt độ nước trung bình hàng năm 23 độ C, độ mặn khoảng 32-33%, có nhiều sóng rất phù hợp cho hoạt động tắm biển. Đây là môi trường lý tưởng để phát triển loại hình du lịch nghỉ ngơi tắm biển. Đảo Cồn Cỏ - Cửa Việt - Cửa Tùng hợp thành một tổ hợp thiên nhiên hấp dẫn. Đến Cửa Tùng, Cửa Việt, đắm mình trong dòng nước trong xanh,  tham gia vào các trò chơi biển, thưởng thức những món hải sản tươi bổ dưỡng, thơm ngon... Cùng trải nghiệm cuộc sống của ngư dân Cồn Cỏ sẽ là những giây phút thật sảng khoái, khó quên đối với du khách khi đã một lần đến với miền Trung, đến với Quảng Trị.

Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!
Từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, vượt Tỉnh lộ 10 nối sang nhánh Tây tại ngã ba Tăng Ký, tiếp tục xuôi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 20km nữa sẽ tới làng Ho thuộc xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình).

< Làng Ho nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, bên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, giáp biên giới Việt - Lào.

Thời chiến tranh, hàng triệu người lính vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, địa danh Làng Ho gợi nhớ nhiều kỷ niệm, bởi đó là nơi xuất phát một hành trình lịch sử. Về Làng Ho hôm nay cùng các cựu chiến binh, có nhiều câu chuyện đáng kể thêm.

Tìm ra người Rục

Đại úy Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Phó, Đồn Biên phòng Làng Ho, cho biết: Trong biên niên sử của đồn, mấy chục năm trước, trong một phiên tuần tra, trinh sát Nguyễn Cương khi đến khu vực Trườn - Roòng đã phát hiện một nhóm người lạ không mặc quần áo, tóc dài.

Khi thấy lính biên phòng, nhóm người hú chạy tán loạn vào rừng. Sau gần 3 tháng đối diện với sốt rét, muỗi cắn, sên, vắt, thú dữ, đường trơn, lèn dốc… truy tìm, các trinh sát phát hiện họ đang ngồi bên bếp lửa, ai nấy đều dùng vỏ cây che thân.

Đồng chí Cương ra hiệu cho tổ dừng lại, bí mật tiếp cận lán, nhưng do thiếu nhẹ nhàng nên bị họ phát hiện và lại chạy vào rừng, để lại bếp lửa đang cháy với 1 con chồn còn nướng dở. Năm ngày sau, thêm 5 đồng chí được đồn chi viện và 1 già bản người dân tộc Mày đến hợp lực. Gần 2 tháng sau, họ phát hiện được chỗ trú ngụ của nhóm người lạ trong một hang sâu, rộng.

Rút kinh nghiệm các lần trước, lực lượng biên phòng bố trí nhiều tổ tiếp cận các cửa hang, còn đồng chí Cương và già bản dùng dây đột nhập vào hang. Sự xuất hiện bất ngờ của đồng chí Cương và già bản làm số người trong hang giật mình. Nhờ có già bản, anh em mới tiếp xúc được họ và thuyết phục bà con mặc quần áo, về sống chung với cộng đồng người dân tộc Mày, Chứt ở ngoài bìa rừng.

Theo lời các chiến sĩ biên phòng, khi mới về, bà con vẫn quen lấy củ, quả rừng để ăn và hay vào hang đá ngủ khi… trời nóng. Khi ấy, Đồn Làng Ho là 1 trong 5 đồn công an nhân dân vũ trang đứng chân trên biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình với tên gọi Đồn Oóc Sách. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị toàn địa bàn xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào trên 15km. Địa bàn đồn quản lý là rừng già, núi đá vôi, có nhiều hang động, địa hình núi dựng đứng, phức tạp.

Làng Ho hình thành

Năm 1962, khi tình hình ở địa bàn ổn định, Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân Vũ trang giải thể đồn Oóc Sách và chuyển vào bản Làng Ho thuộc xã Đình Phùng, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình với tên gọi Đồn 119 (tháng 7-1987, đổi tên thành đồn 601 và hiện nay đổi tên thành đồn Làng Ho). Thiếu tá Nguyễn Minh Hợp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Ho, khái quát lịch sử: “Ngoài đường bộ, tháng 8-1969, Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn xây dựng tuyến đường ống thép dẫn dầu dọc các trục đường 10, 16, 18, 24, 9. Làng Ho còn là nơi cấp phát súng, đạn, quân trang, lương thực, thực phẩm cho bộ đội trước khi vào Nam”.

< Nhà văn hoá làng Ho mới được xây dựng.

Các cựu chiến binh cùng đoàn công tác của Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP không còn ai nhận ra địa điểm từng là nơi mình và đồng đội xuất phát vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Địa danh Làng Ho ngày xưa giờ thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, giáp ranh huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet của nước bạn Lào và thuộc vùng địa lý Tây Trường Sơn.

< Từ khi có hệ thống lọc và bể nước sạch, dân làng Ho không còn phải ăn nước suối nữa.

Nép mình bên dòng suối nhỏ, ít ai ngờ rằng chỉ cách đây một vài năm, làng Ho vẫn còn là những túp nhà mái gianh, vách nứa lụp xụp, cuộc sống tự cung tự cấp tưởng như bị bỏ quên giữa đại ngàn Trường Sơn. Đường Hồ Chí Minh rồi đường nhánh Tây mở ra đã giúp bà con gần hơn với văn minh.

Năm 2013, Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” đã thay đổi hoàn toàn diện mạo làng Ho theo tiêu chí nông thôn mới. 33 nếp nhà sàn dựng bằng gỗ mới nằm san sát nhau bên những con đường bê tông.

< Nhiều năm trước đây đi lại khó khăn, người dân chỉ có thể gùi hàng đi bộ xuyên rừng ra trung tâm xã. Nay đường làng đã bê tông hoá…

Mỗi ngôi nhà đều có hàng rào cây xanh tinh tươm, heo gà không còn thả rông và đường vào được tráng bê tông phẳng lỳ. Theo đồn trưởng Hợp, cán bộ chiến sỹ Đồn Làng Ho còn bỏ thêm trên 3.000 ngày công dựng nhà giúp dân. Nhà văn hoá được xây bên cạnh trạm kết hợp quân dân y, đối diện đó là ngôi trường khang trang đảm bảo con em trong bản được học hành.

“Khuyến nông quân hàm xanh”

Để ổn định cuộc sống cho bà con các dân tộc, Ban chỉ huy đồn Làng Ho đã xin ý kiến cấp trên đưa nước về. Suốt 1 tháng liền giữa năm 2009, đích thân Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã về Làng Ho chỉ huy thông súc 120m ống dẫn nước, kênh mương. Các “cán bộ khuyến nông quân hàm xanh” còn chia nhau phát quang, cuốc dọn được 16.000m² đất ruộng. Họ còn liên hệ với Hạt Quản lý Giao thông gần đấy xin xe múc mở đường từ suối đưa nước về ruộng.

Như những kỹ sư nông nghiệp thực thụ, các chiến sĩ biên phòng phơi trần cày ải, cuốc đất, bón vôi rửa phèn để… bà con học theo. Đại úy Hoàn kể: “Vụ hè thu năm 2009, đạt sản lượng 4,1 tấn/ha, thật bất ngờ. Và vui vì bà con biết làm ruộng theo hướng dẫn”.

Sau “chiến công” đầu tay, để làm nông lâu dài, Đồn Làng Ho xác định phải đầu tư đập nước để chủ động tưới tiêu. Để có cát, đá xây dựng, đồn (thời điểm đó) phải huy động toàn quân số ra suối đào, mà phải hơn 2 tuần mới đủ số lượng cát. Sau khi chuẩn bị và tập kết đầy đủ các loại vật liệu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cử 3 đồng chí cán bộ kỹ thuật đến chỉ đạo đổ bê tông đập nước.

Sau 2 tuần lễ, đơn vị tiến hành tháo dỡ ván cốp pha và đóng van thử, nhưng khi nước dâng lên thì thân đập có hiện tượng rò rỉ. Họ phải xử lý, gia cố đảm bảo chắc chắn lại.

Vụ đông xuân 2009 - 2010, trên diện tích 2ha ruộng, cán bộ đơn vị và bà con thu hoạch với năng suất 4,3 tấn/ha, bà con vô cùng phấn khởi. Sau đó, Đồn Làng Ho họp dân để chuyển giao kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc lúa, hoa màu cho dân bản. Ngày mới ở Làng Ho giờ đây tràn ngập nụ cười. Người Làng Ho ơn Đảng, thế hệ hôm nay biết ơn làng!

Theo Dân Việt, Sàigòn Giải Phóng
Du lịch, GO!
(TTO) - Chuyến đi đầu tiên của tàu De Lanessan đưa các nhà khoa học của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương đến quần đảo Hoàng Sa vào tháng 6-1925, bắt đầu nghiên cứu sự kiến tạo địa chất kỳ diệu của quần đảo này.

Đến vùng đảo hoang vắng

Khi các nhà khoa học đặt chân lên các đảo ở Hoàng Sa, chào đón họ chỉ có các loài chim trời. Thảng hoặc họ mới bắt gặp những người đi biển dài ngày ghé lên đảo. Ấn tượng đó, sau này được TS P. Chevey kể lại trong báo cáo của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương năm 1925-1926: Chúng tôi chỉ thấy có một ít thuyền buồm đến những đảo nhỏ hoang vắng này để đánh bắt rùa biển, trai biển khổng lồ (tridacna), hải sâm và các loài hải sản khác mà người ta chỉ thấy trên những đảo san hô.

Thật ra, đấy không phải là những thuyền buồm của người chuyên đánh cá đến để khai thác hải sản trên dải đá ngầm của quần đảo Hoàng Sa. Đây là những nhà hàng hải mà hằng năm chúng tôi vẫn thấy họ qua lại vào thời gian gió mùa. Trong khoảng thời gian gió mùa đó, mọi hoạt động hàng hải đều bị cấm, họ đến đây để làm giảm bớt nỗi buồn bã của mùa “chết” này bằng cách tranh thủ đánh cá trên những dải đá ngầm của quần đảo xa xôi”.

Trước sự kiện tàu De Lanessan đến đây, theo “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của Monique Chemillier - Gendreau, từ năm 1881-1884, người Đức từng tiến hành nghiên cứu có hệ thống tình hình thủy văn của quần đảo Hoàng Sa mà không có một trong những yêu sách nào đi theo. Vì thế, cuộc khảo sát của Sở Hải dương học nghề cá được coi là hoạt động khoa học đầu tiên thể hiện chủ quyền của Việt Nam (thuộc Pháp) trên quần đảo Hoàng Sa.

Thám sát thềm lục địa

Cách thức thám sát thềm lục địa được TS P. Chevey mô tả: “Những phương pháp chiếu sáng đáy biển mà chúng tôi sử dụng trong khi nghiên cứu đã cho phép quan sát được địa hình đáy biển những vùng này, cũng như những khối lớp không đều đặn của các đảo và vùng trũng sâu bao phủ dày cát và cuội san hô, nếu như chúng tôi có thể đi đến giữa những chỗ đó”.

Tàu De Lanessan đã thực hiện hàng loạt phương pháp thăm dò và kéo lưới cào để khảo sát thềm lục địa. Qua đó, các nhà khoa học đã tìm thấy sự hình thành nền quần đảo Hoàng Sa. “Chúng tôi đã phát hiện thấy sự kiến tạo dưới biển quan trọng trong đợt nghiên cứu vừa mới tiến hành ở khối đảo cách ly ở giữa biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa - TS P. Chevey thuật lại - Qua những thăm dò ở thềm lục địa quần đảo Hoàng Sa mà ở đó có những đá ngầm và đảo nhỏ nhô lên, chúng tôi đã xác lập được rằng đáy biển này sâu từ 40-100m, được tạo nên từ những nguyên liệu thuộc nhóm cuối cùng bởi các trầm tích san hô. Đó là một bề mặt mà địa hình thuộc thời kỳ băng hà bị nước biển bao phủ sau lần tan băng cuối cùng, sau đó dần dần tách khỏi bờ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho san hô phát triển. Ngày nay nó được bao phủ bởi một lớp san hô đang sống, cát và cuội san hô”.

“Chúng tôi lại thấy thềm lục địa này ở ven bờ biển Đông Dương, tại chân núi Trường Sơn cũng như ở cao nguyên dưới biển của quần đảo Hoàng Sa. Ở đây, nó nhô lên như một đảo cách ly ở giữa vùng nước biển Đông và các tảng đá ngầm của nó, hầu như dựng đứng, đột nhiên lại tụt xuống sâu hàng nghìn mét” (Báo cáo của Sở Hải dương học nghề cá, năm 1925-1926).

Cao nguyên đáy biển

Từ quá trình khảo sát thềm lục địa, các nhà khoa học nhận thấy quần đảo Hoàng Sa với 36 đảo lớn nhỏ có thể nổi hoàn toàn khi triều cao (và một số khác thường xuyên chìm trong nước) là nhờ đứng trên một... cao nguyên mà các nhà khoa học gọi là “cao nguyên đáy biển”. “Cao nguyên đáy biển của quần đảo Hoàng Sa xuất hiện đột nhiên giữa biển Đông cách đáy biển hàng nghìn mét và nhô lên dưới mặt nước biển từ 40-100m bởi một vách đá hầu như thẳng đứng đến tận đáy biển”- báo cáo của TS P. Chevey mô tả. Sự hình thành cao nguyên đặc biệt này - theo kết luận của các nhà khoa học - “có cùng nguyên nhân địa chất xảy ra ở các bậc thềm khác nhau ở một vùng độ sâu và những bậc thềm nằm song song với đường bờ dọc theo các vùng duyên hải của Đông Dương”.

Cùng với kết luận này, nghiên cứu “Hình dạng các đảo san hô ngầm và chế độ gió” của TS A.Krempf (công bố năm 1927) cho thấy đầy đủ quá trình hình thành các đảo ở Hoàng Sa từ địa chất đến hình dạng. TS P. Chevey, trong báo cáo năm 1930-1931, đã kể lại: “Trong năm 1926, chúng tôi đã thăm đảo đá ngầm rất đẹp Decouverte, hình thái cấu tạo của nó chứng minh rõ ràng ảnh hưởng của gió mùa tới sự hình thành của các đảo san hô. Trong đảo ngầm này có hai tập đoàn phát triển về hai hướng nghịch nhau đông bắc và tây nam, ở phần đỉnh của những dải này có hai lối vào các vùng tại giữa đảo san hô này chưa khép kín.

Hai đảo đá ngầm ấy, đảo ngầm Chim Yến và đảo ngầm Bắc, là một vùng đã nổi lên từ rất lâu. Đảo ngầm Chim Yến có dạng hình vòng đầy đủ, nhưng bờ ở phía đông bắc dày hơn vùng bờ phía tây nam, như vậy chứng tỏ gió mùa đông ảnh hưởng lên sự tiến hóa của đảo. Do đó, vùng giữa đảo đi lệch tâm và đẩy về phía tây nam. Tuy nhiên, ở phía tây bắc có một vùng san hô rất mỏng và không nổi lên, mặc dù không bị ngắt quãng nhưng những thuyền nhỏ có thể đi vào vùng bên trong được. Tại đây có một dải màu xanh khá đặc biệt của những đảo san hô do phản chiếu những tia nắng mặt trời trên nền cát trắng ở bờ vụng qua lớp nước mỏng xa bờ một chút. Chắc chắn vị trí này không phải giải thích như là một chỗ nối không hoàn toàn những đầu bờ của hai tập đoàn san hô đang phát triển mới tách rời nhau và bấy giờ nối lại với nhau gần như đã kết thúc. Ở đây có dấu tích một con lạch cũ trong vụng”.

Quần đảo Hoàng Sa như vậy đã cung cấp cho chúng ta một dẫn chứng rõ ràng về những giả thiết của A.Krempf đã đặt ra từ nhiều năm trước đây. Từ năm 1921, ông đã mô tả ba vòng đảo san hô Decouverte tiến hóa nhất, đảo ngầm Chim Yến thì ngược lại, tạo thành một vòng san hô khép kín”.

7 chuyến khảo sát hải dương học tại Hoàng Sa (1925-1953)

* Tàu De Lanessan có bốn chuyến khảo sát: tháng 6-1925, tháng 6 và 7-1926, tháng 5 và 6-1931, tháng 10-1935.
* Tàu La Marne: tháng 10-1937.
* Tàu Marine National: tháng 4-1949.
* Tàu La Charante: tháng 7-1953.

Các kết quả nghiên cứu được công bố trong các báo cáo thường niên của Viện Hải dương học và trên một số tạp chí khoa học và sách trong giai đoạn 1927-1957 (Theo báo cáo của Viện Hải dương học tại Hội nghị quốc tế biển Đông năm 2012: 90 năm các hoạt động hải dương học trên vùng biển VN và lân cận).

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 ...

Theo Huỳnh Hiếu (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
(TTO) - Những trang tư liệu hải dương học đầu thế kỷ 20 đã khẳng định: Hoàng Sa là của Việt Nam...

Hoàng Sa - Việt Nam!

Việc Trung Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 được đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của họ là một sự bịa đặt và không có căn cứ pháp lý. Lợi dụng những khó khăn và biến động ở Việt Nam, quân đội Trung Quốc đã xâm chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực.
Trước đó, quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Những trang tư liệu hải dương học đầu thế kỷ 20 đã nói rõ điều này...
Công cuộc khảo sát và khai thác quần đảo Hoàng Sa những năm đầu thế kỷ trước in đậm dấu ấn con tàu hải dương học đầu tiên ở Việt Nam.

Từ Bordeaux...

Theo tài liệu “Viện Hải dương học Đông Dương” của TS Armand Krempf (xuất bản năm 1931), con tàu này được bàn giao cho Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương vào ngày 21-6-1924 tại cảng Bordeaux (Pháp). Đó là con tàu chạy bằng hơi nước được chuyển đổi công năng để phục vụ việc thám sát biển dài ngày.

Tàu mang tên De Lanessan nhằm ghi nhớ về vị bác sĩ hải quân Jean-Marie de Lanessan, một nhân vật đặc biệt trong giới khoa học và chính trường nước Pháp. De Lanessan tốt nghiệp đại học y khoa tại Bordeaux, học tiếp ở Trường Hải quân Rochefort (nơi ông làm trợ lý bác sĩ phẫu thuật), rồi trở thành bác sĩ trong hải quân với tám năm lênh đênh trên các vùng biển châu Phi và Đông Dương. Năm 1870, ông rời lực lượng hải quân để nghiên cứu y học và tự nhiên học, rồi trở thành giáo sư tại Đại học Khoa học Paris. Chín năm sau, người ta thấy ông hoạt động chính trường với tư cách một ứng cử viên độc lập ở hội đồng thành phố Paris. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm toàn quyền Đông Dương (1891-1894), trước khi giữ chức bộ trưởng Bộ Hải quân trong nội các Waldeck-Rousseau (1899-1902).

Tàu De Lanessan có trọng tải 750 tấn, dài 45m, mặt boong rộng 7,63m, mớn nước 4,45m, công suất 350CV. Nó được trang bị lưới quét cùng nhiều máy móc hiện đại, theo đề án gửi về Paris của TS A. Krempf, giám đốc Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương lúc bấy giờ. Việc nghiên cứu biển và các quần đảo giữa trùng khơi biển Đông khi đó cấp thiết phải có một chiếc tàu lớn. Vì thế sau khi chạy thử thành công ở cảng Bordeaux, lập tức con tàu được bàn giao cho Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương, để lên đường sang Việt Nam.

Đến Hải Phòng

Sở Hải dương học nghề cá Đông dương (Service océanographique des pêches de l’Indochine) được thành lập theo quyết định của ông Baudoin - toàn quyền Đông Dương, trước đó gần hai năm (vào ngày 14-9-1922). Trụ sở được đặt tại Nha Trang, một thành phố xinh đẹp ở miền Trung Việt Nam, nơi mà nhà bác học Alexandre Yersin danh tiếng chọn để gắn bó đời mình. Theo những tài liệu lưu trữ tại Viện Hải dương học, TS A. Krempf - nguyên giám đốc Viện Khoa học Đông Dương - nhận lãnh trọng trách giám đốc sở này ngay thời điểm vạn sự khởi đầu nan. Dưới sự chỉ huy của ông, ngay sau khi sở này thành lập, tại khu đất cao bên bờ biển luôn ngập nắng miền nhiệt đới, rộng đến 20ha, kéo dài từ phía bắc cảng Cầu Đá lên tới lầu Bảo Đại, đã mọc lên những nhà xưởng đầu tiên.

Từ đây có thể phóng mắt ra một vùng biển rộng mênh mông. Biển ven bờ ở nơi này thuộc loại sâu nhất ở Việt Nam, rất gần với hải phận quốc tế và vùng trung tâm biển Đông. Đây cũng là nơi gặp gỡ của hai dòng hải lưu nóng - lạnh, một từ phương bắc xuống và một từ xích đạo ngược lên, tạo nên một môi trường lý tưởng cho nhiều loài sinh vật biển định cư, đặc biệt là các rạn san hô cùng hệ sinh vật sống cộng sinh.

Tại đây TS A.Krempf bắt đầu thực hiện sứ mệnh khám phá biển Đông với các cộng sự: hai nhà nghiên cứu ngư học là TS Pierre Chevey và TS Paul Chabanaud, nhà nghiên cứu hóa sinh học - TS Henri Marcelet (người Pháp), nhà nghiên cứu động vật không xương sống ở biển- TS Constantin Dawydoff (người Nga) cùng ông Nguyễn Công Tiêu, nhà nghiên cứu động vật giun nhiều tơ (người Việt Nam). Vỏn vẹn chỉ sáu nhà khoa học lúc đầu nhưng phải gánh vác một nhiệm vụ lớn lao đã được ghi trong quyết định thành lập Sở Hải dương học nghề cá: “Khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá ở biển Đông, bao gồm hai quần đảo Paracels (Hoàng Sa), Spratly (Trường Sa) và biển Hồ ở Campuchia để xác định chiến lược cho nghề khai thác cá ở Đông Dương. Đồng thời triển khai nghiên cứu các công nghệ chế biến và nuôi trồng hải sản”.

Trở lại với câu chuyện con tàu De Lanessan. Sau một hải trình 63 ngày sóng gió, ngày 7-11-1924 tàu đã cập cảng Hải Phòng. Nó phải mất một thời gian ở đây để thực hiện các công việc đăng ký, đăng kiểm. Đến mùa đi biển chính của năm sau, khi việc đăng kiểm đã hoàn thành, ngày 7-4-1925 tàu De Lanessan được điều động đến vịnh Bắc bộ. Một ngày sau đó, nó đánh mẻ lưới thí nghiệm đầu tiên tại tọa độ 20 độ vĩ bắc và 106,5 độ kinh đông. Kể từ đó, nhật ký hải trình của con tàu ghi dấu những chuyến thám sát dài ngày của các nhà khoa học thuộc Sở Hải dương học nghề cá khi đó và Viện Hải dương học sau này.

Sứ mệnh lịch sử

Nhờ hoạt động hiệu quả của tàu De Lanessan - theo PGS. TS Võ Sĩ Tuấn, viện trưởng Viện Hải dương học - ngay sau khi thành lập, Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương lúc đó đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và thu thập thông tin xuống phía nam (vịnh Thái Lan), lên phía bắc (vịnh Bắc bộ), ra các vùng khơi xa và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, khảo sát có hệ thống và định kỳ trên 572 trạm, đặc biệt là hai trạm cố định ở Cầu Đá (Nha Trang) và ở quần đảo Hoàng Sa.

Kể từ năm 1925, tàu De Lanessan đã gắn chặt với các hoạt động của Viện Hải dương học. Trong nhiều báo cáo thường niên của viện đều nhắc đến hoạt động của con tàu. Báo cáo năm 1927-1928 viết: “Trong cả năm hoạt động, tàu De Lanessan đã đi được 106 ngày trên biển, trong đó đã dành trên 300 giờ khảo sát đáy biển và kéo lưới. Như vậy, kể từ khi bắt đầu nghiên cứu đến nay, tổng số giờ chúng tôi dành cho nghiên cứu về địa lý hải dương học và đánh cá ngoài khơi lên đến gần 1.000 giờ”.

Ngày nay bên cảng Cầu Đá (Nha Trang), hầu như ngày nào cũng có du khách nước ngoài háo hức tìm vào khu nhà mang dáng dấp kiến trúc thuộc địa nằm sâu trong khuôn viên của Viện Hải dương học. Đó là Bảo tàng Hải dương học Việt Nam, một trong những bảo tàng lâu đời nhất ở Đông Nam Á. Tại đây, họ thường dừng lại rất lâu trước bức ảnh đen trắng phóng lớn của tàu De Lanessan, được đặt ở một góc trưng bày khá trang trọng.
Một chương lịch sử sóng gió của biển Đông như ngưng đọng ở góc trưng bày này.

Gần một thế kỷ hoạt động hải dương học trên vùng biển Việt Nam và lân cận

Theo PGS. TS Võ Sĩ Tuấn - viện trưởng Viện Hải dương học, Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (tiền thân của Viện Hải dương học) được thành lập vào năm 1922. Đến năm 1930 đổi tên thành Viện Hải dương học Đông Dương. Năm 1952 đổi tên thành Viện Hải dương học Nha Trang. Năm 1954 đổi tên thành Hải học viện Nha Trang. Năm 1975 đổi tên thành Viện Nghiên cứu biển Nha Trang (có sáp nhập Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng vào). Năm 1993 đổi tên thành Viện Hải dương học.

“Bảo tàng tại viện có khoảng 10.000 mẫu sinh vật lấy từ hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và một số vùng trên biển Đông. Đó là kết quả sưu tập, nghiên cứu của các nhà khoa học từ đầu thế kỷ 20 trên vùng biển Việt Nam và lân cận. Và đó cũng là bằng chứng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo thiêng liêng này”- ông Tuấn cho biết. 

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 ...

Theo Huỳnh Hiếu (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Wednesday, 28 May 2014

(TQĐT) - Đến nhà đồng bào Tày ở huyện vùng cao Lâm Bình, khi khách bước qua những bậc thang lên nhà sàn, chủ nhà mời khách ngồi bên bếp lửa ở giữa nhà để uống nước. Không giống như người Kinh, người Dao hay pha chè xanh mời khách, người Tày ở Lâm Bình lại đãi khách bằng thứ nước có màu đỏ hương rất thơm, nhấp vào miệng một ngụm thấy ngọt dịu ở đầu lưỡi. Đó chính là nước cây Phang độc đáo mà hiếm vùng đất nào có được.

Tương truyền, nước cây Phang được người Tày ở các xã Hồng Quang, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình... dùng làm thứ nước uống thay trà từ nhiều đời nay. Loại nước này được chế biến từ thân cây Phang và củ cây Rác toóc (hai loại cây quý theo tên gọi tiếng Tày).

Cây Phang cho màu đỏ và vị ngọt; cây Rác toóc cho mùi thơm. Nước Phang ngoài vị thơm và ngọt ra còn có nhiều công dụng khác như bổ thận, mát gan và thanh lọc chất độc trong cơ thể. Trong rất nhiều bài thuốc nam dân gian của người Tày ở Lâm Bình, hai loại cây này đều xuất hiện với vai trò là thành phần quan trọng không thể thiếu được.

Bà Ma Thị Ti, dân tộc Tày ở thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang cho biết: Từ khi bà sinh ra đã được các cụ truyền lại cho cách thức nhận biết hai loại cây này và cách chế biến nước Phang để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Theo bà thì cây Phang thuần tính hơn nên đã được thuần hóa và đem về trồng ở vườn nhà để chủ động hơn trong việc sử dụng. Trái ngược lại, cây Rác toóc lại là loại cây khó trồng, chủ yếu vẫn phải đi kiếm ở trong rừng già và đòi hỏi phải có kinh nghiệm mới nhận biết được.

Theo cách chế biến của người Tày, cây Phang sau khi đã đến thời kỳ trưởng thành thì chặt lấy thân, sau đó rồi băm nhỏ và đem phơi thật khô dưới ánh nắng gắt. Đối với cây Rác toóc, sau khi lấy ở rừng về, cây cũng được băm nhỏ, phơi khô và trộn với cây Phang theo tỉ lệ 1/3. Sau khi sơ chế xong, người dân đóng gói kĩ và cất trên gác bếp giữa nhà cho khô thoáng để tích trữ và sử dụng dần trong một thời gian dài.

Ngồi bên bếp lửa hồng, chủ nhà chất củi đun siêu nước sôi sình sịch, nóng bỏng rồi rót vào ấm hãm đã được bỏ sẵn một nhúm cây Phang là có thứ nước ngon tuyệt. Câu chuyện về làm ăn, về cuộc sống cũng bắt đầu sau khi chén nước thơm được rót ra trong không gian giản dị mà ấm cúng, rất đỗi thân thiện và chân thành của gia chủ người Tày. Điều này đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang.

Theo Báo Tuyên Quang
Du lịch, GO!
Đèo Khuôn Do nằm trên quốc lộ 2C thuộc địa phận hai thôn Khuôn Ráng, xã Phúc Ứng và thôn Vĩnh Sơn, xã Tuân Lộ (Sơn Dương). Đèo dốc và nguy hiểm nhất ở đoạn qua thôn Khuôn Ráng vì mặt đường lởm chởm, bong tróc đầy ổ trâu, ổ gà rất nguy hiểm - Ở đây từng là một điểm đen về tai nạn giao thông.

< Đoạn đèo vừa được hạ thấp.

Từ dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C, đoạn qua địa phận huyện Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang do Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư thực hiện, đến nay đoạn đèo này đã được mở mới, hạ thấp, giảm bớt độ quanh co nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Đèo Khuôn Do có tổng chiều dài khoảng 4 km. Trước đây khi chưa được hạ thấp, các phương tiện ô tô, xe máy đi qua đèo phải mất 15 phút.

Không những thế, đường bị xuống cấp bụi bay mù mịt, nhiều đoạn bị che khuất tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Vì vậy, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc trên đoạn đèo này.

Từ khi đèo được nắn cua, hạ thấp độ cao và quanh co, 2 bên đường có hệ thống rãnh thoát nước…, các vụ tai nạn giao thông đã giảm xuống. Đây thực sự là tín hiệu mừng cho người dân  tham gia giao thông.

Đèo Khuôn Do nằm trên Quốc lộ 2C, tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn Dương với các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và thành phố Tuyên Quang nên lưu lượng người và xe tham gia rất lớn. Việc đèo được cải tạo, nâng cấp không chỉ làm giảm nguy cơ tai nạn giao thông, tăng mỹ quan cho tuyến quốc lộ, mà còn thúc đẩy thông thương, giao lưu trao đổi buôn bán phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tổng hợp từ Báo Tuyên Quang
Du lịch, GO!

Lịch sử đăng bài

Powered by Blogger.

Bài đăng mới

Thích thì click!^^

Bải đăng phổ biến