Thursday 3 April 2014

(BCT) - Nằm nép mình bên dòng sông Hóa hiền hòa, ngôi đình tên gọi Quán Khái cổ kính ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng là một công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô lớn và đẹp đẽ, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của đình làng Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Đây là di tích quý hiếm bảo lưu nguyên vẹn mọi giá trị nguyên gốc di tích. Mặt khác những tài liệu văn tự và truyền thuyết gắn với vị thành hoàng thờ tự tại di tích là sử liệu vô giá. Đình Quán Khái thờ Tản Viên sơn thánh Bùi Thiên Quý thời Hùng duệ vương thứ XVIII. Với giá trị tự thân của di tích đình đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992. Đình hiện tại nằm ở phía Tây Nam thôn, được khởi công xây dựng nửa đầu thế kỷ 20 do dân làng đóng góp, người đứng ra hưng công là cụ Bá Phú, một hào lý có uy tín ở làng xã.

Tục truyền, ngày ấy cụ Bá Phú họ Ngô cùng một số trai làng khỏe mạnh “khăn đùm cơm nắm” vào tận rừng mua gỗ, đóng bè trở về. Nghe tin Quán Khái dựng đình lớn, nhiều hiệp thợ nổi tiếng đến xin được thi công.

Câu hỏi “nhập môn” mà cụ Chánh đưa ra để tìm hiểu tài năng của các phường thợ là: “Số gỗ hiện có xây đình theo thiết kế của dân làng là đủ hay thiếu và thừa thiếu là bao nhiêu”?

< Cổng đình Quán Khái.

Nhiều hiệp thợ đã không vượt qua được bài toán đầu tiên này. Cuối cùng “thắng thần” thuộc về hiệp thợ Ninh Giang (Hải Dương) với đáp số thừa một cây gỗ lim để dùng vào việc chuẩn bị đồ nghề cho thợ. Công việc làm đình hoàn thành vào năm 1916, số vật tư dân làng trù tính vừa đủ không thừa, không thiếu. Điều đó chứng tỏ khả năng thiết kế xây dựng tài ba của “tổng công trình sư” Bá Phú và dân làng.

Phía trước đình là một hồ nước tròn, điểm tụ thủy tích phúc cho di tích nối liền với xóm làng và xa xa là dòng Hóa Giang như thân rồng uốn khúc lững lờ trôi. Hai bên đình là con đường làng rải gạch phẳng phiu dẫn vào di tích qua 2 cổng lớn xây kiểu gác chuông 2 tầng cao to sừng sững. Đình có nhiều thần tích cổ với 21 sắc phong; 102 di vật và cổ vật...

Bước vào trong tòa đình là cảnh lộng lẫy vàng son của các bức hoành phi câu đối, cửa võng khám thờ, chạm khắc công phu và to lớn, hài hòa với kiến trúc đồ sộ của ngôi đình. Mỗi di vật này là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, trang trí sơn son thếp vàng vô cùng quý giá khiến cho bất kỳ ai có ý thức bảo tồn văn hóa nhân loại được tham quan đều sững sờ và ngạc nhiên.

Đình Quán Khái là một công trình kiến trúc từ cấu trúc mặt bằng đến cấu trúc xây dựng tiêu biểu cho nghệ thuật đình làng Việt Nam đầu thế kỷ 20 (thời Nguyễn).

Phía trước là tiền đường, phía sau là hậu cung, mái lợp kiểu “tầu đao lá mái” hay còn gọi là “tàu thực” với các mái đao cong như nâng bổng các tàu mái nặng nề lợp bằng 7 vạn viên ngói bay lên. Để đỡ các tàu mái nặng nề ấy là những bộ khung nhà làm bằng gỗ lim cực kỳ chắc khỏe với các bộ phận kiến trúc cột, xà, hoành rui, bẩy đều to lớn khác thường, hiếm thấy ở các công trình kiến trúc cổ ở Hải Phòng.

Hàng năm cứ vào dịp hội làng những phong tục như giã bánh dày, rước thánh được đông đảo nhân dân gần xa tới thăm. Gắn liền với đình là 2 cây gạo được trồng vào đầu thế kỳ 18 cùng với việc xây dựng của đình, bởi thế ngôi đình càng tạo được vị thế trang trọng. Ngày 6/3/2014, đúng vào dịp lễ hội của làng, 2 cây gạo vinh dự được đón bằng Công nhận Cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận.

Theo Thành Huế (báo Công Thương), ảnh Tạ Minh Đức và vài nguồn khác.
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment

Lịch sử đăng bài

Powered by Blogger.

Bài đăng mới

Thích thì click!^^

Bải đăng phổ biến